Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong 3 năm triển khai tái cơ cấu, Bộ đã chỉ đạo tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể; đồng thời điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.
Cụ thể, xác định tôm, cá tra là sản phẩm chủ lực, ngành đã phát triển diện tích nuôi tôm nước lợ đạt gần 700 nghìn ha, sản lượng đạt gần 618 nghìn tấn; cá tra đạt 5 nghìn ha, sản lượng 1,2 triệu tấn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng rộng rãi quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Trên lĩnh vực khai thác hải sản, ngành thủy sản đã hoàn thành điều tra nguồn lợi thủy sản trên toàn bộ vùng biển làm căn cứ xây dựng quy hoạch khai thác đối với từng vùng biển, từng nghề khai thác; tiến tới dự báo ngư trường hạn ngắn (10 ngày), hạn tháng, hạn mùa.
Riêng về cơ cấu đội tàu, đã có sự chuyển dịch mạnh trong 3 năm 2013-2015, số lượng tàu cá có công suất nhỏ, dưới 90 CV đã giảm trên 10 nghìn tàu. Trong khi đó nhóm tàu có công suất từ 90 đến dưới 400 CV tăng 1,5%, nhóm tàu công suất từ 400CV trở lên tăng 21,6% so với năm 2013; số tàu làm nghề lưới kéo đã giảm 400 chiếc, lưới rê đã giảm 4,4 nghìn chiếc so với năm 2013, đúng theo định hướng của Đề án tái cơ cấu. Cùng với đó, số tàu câu cá ngừ đại dương tăng 375 chiếc (tăng 18%); tàu hậu cần dịch vụ tăng 483 chiếc (tăng 27%).
Về tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể, ngành đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi (cá ngừ) và phát triển tổ chức sản xuất hợp tác, tổ đội liên kết các tàu khai thác thành các tổ, đội sản xuất. Trong đó, đã có 4.400 tổ/đội sản xuất trên biển được thành lập và đi vào hoạt động; thành lập 66 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở với 12.106 đoàn viên, 3.159 tàu cá tại 13/28 tỉnh thành phố ven biển. Các mô hình liên kết sản xuất trên biển được hình thành đã thu hút được sự tham gia của các ngư dân, giúp các tàu cá giảm chi phí hoạt động, tăng năng suất khai thác, hỗ trợ bảo vệ khi có khó khăn và tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thực hiện các chính sách về giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ như: thiết bị phân loại cá, hầm bảo quản trên tàu tại Kiên Giang, Tiền Giang, bể hạ nhiệt có gắn thiết bị lạnh trên tàu khai thác cá ngừ,…
Cùng với đó, đầu tư hệ thống dịch vụ hậu cần và từng bước xây dựng các trung tâm nghề cá lớn đã có những kết quả tích cực. Trên cơ sở quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành đã nâng cấp được 83 cảng cá, đáp ứng khoảng 82 nghìn tàu cá cập cảng với 1,6 triệu tấn thủy sản qua cảng. Đồng thời, đã và đang đầu tư 65 khu neo đậu tránh trú bão, trong đó đã và sẽ hoàn thành trong thời gian ngắn 41 khu neo đậu với sức chứa 30,8 nghìn tàu.
Nhìn chung, qua 3 năm thực hiện, nhiệm vụ tái cơ cấu của ngành thủy sản đã được quan tâm triển khai trong mọi hoạt động. Nhiệm vụ triển khai cụ thể đã được xây dựng trong kế hoạch công hàng năm và trung hạn; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện bám sát thực tiễn sản xuất, có sự phối hợp giữa Trung ương và các địa phương, cùng thực hiện mục tiêu của đề án.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt, để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản trong thời gian tới, ngành thủy sản rất cần được bổ sung nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng cho phát triển thủy sản. Bởi hiện nay, mức đầu tư cho ngành còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, nhằm đưa các chính sách phát triển thủy sản phát huy hiệu quả, ngành đang hướng đến các bước phát triển ngắn hạn mang tính thực tế. Trong đó, với ngành tôm – một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để quản lý và tiếp tục nâng cao chất lượng con giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ nuôi trong nước.