Phần lớn hộ gia đình ở các thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình dựa vào nghề nông để sinh sống. Tuy nhiên, cũng như nhiều làng quê khác, sau mỗi vụ thu hoạch, mọi người lại châm lửa đốt rơm rạ trên ruộng đồng, tạo ra những đám khói bụi mờ mịt. Nơi đây còn có nghề làm muối từ truyền thống. Trên các ô ruộng muối bê tông đều đặn rộng hàng chục mét vuông, người ta dẫn nước từ biển vào để phơi khô, tạo thành muối cung cấp cho thị trường.
Kết hợp hai điều này, năm ngoái, một nhóm học sinh và giáo viên ở trường THCS Quảng Phú đã nảy ra sáng kiến bắt tay với các hộ gia đình làm muối địa phương nhằm cải tiến ruộng muối bằng than rơm rạ thu được khi đốt trong môi trường yếm khí.
“Nguyên lý này rất đơn giản”, cô Lê Thị Hảo, giáo viên tổng phụ trách và là người dẫn dắt nhóm, chia sẻ, “Trong sách giáo khoa, chúng ta đều được học rằng khi đốt yếm khí các chất hữu cơ thì lượng khí độc hại tạo ra sẽ ở mức tối thiểu, đồng thời sinh ra than sinh học màu đen. Mà màu đen lại là màu hấp thụ ánh sáng mặt trời và nhiệt lượng tốt nhất nên khi dùng nó để quét các ô ruộng muối, nước biển sẽ bốc hơi và kết tinh muối nhanh hơn”.
Nhóm đốt rơm, rạ trong lò nhôm thiếu oxy từ 4-8 tiếng (quá trình cháy diễn ra ngắn hay dài tùy thuộc vào lượng nguyên liệu nhồi vào chặt hay lỏng), nghiền mịn than thu được, sau đó trộn nó với xi măng theo đúng tỉ lệ 3 xi măng và 1 than. Sau khi pha với một lượng nước vừa phải, hỗn hợp này được dùng để quét lên bề mặt các ô ruộng muối bê tông đã có. Sau 12 tiếng đồng hồ mặt ruộng khô lại. Như những nhà khoa học thực thụ, nhóm quyết định thử nghiệm bằng sự đối chứng trên cả hai ruộng muối - một màu đen và một màu truyền thống.
Đốt rơm, rạ trong môi trường yếm khí để thu được than sinh học. Ảnh: NVCC
Kết quả, trong vòng nửa ngày, ở cùng một nhiệt độ môi trường 36-38oC, lượng nước biển cần đổ vào ô thực nghiệm nhiều hơn hẳn ô đối chứng và lượng muối thu được từ ô thực nghiệm cũng cao hơn từ 20-30% so với ô đối chứng.
Muối tạo ra được đem đi kiểm nghiệm ở Trung tâm đo lường và kiểm định chất lượng muối tỉnh Quảng Bình và cho thấy đảm bảo an toàn ở tất cả các chỉ số về màu sắc, mùi vị, nồng độ NaCl, chì, arsen, cadimi và thủy ngân.
Mặc dù đơn giản, sáng kiến này đã giúp cải thiện năng suất muối ở địa phương. Trước đây, mỗi hộ gia đình làm muối có thể thu nhập khoảng 20-22 triệu/ha/mùa, thì với phương pháp cải tiến mới này ước tính có thể tăng thu nhập lên 26-30 triệu/ha/mùa.
Nhưng nhóm của cô không đi một mình mà đã tìm đến thăm dò ý kiến anh Lê Phú Đức, chủ tịch hợp tác xã muối Quảng Phú, và một số hộ gia đình làm muối khác. Từng đốt rơm rạ ngoài trời trong nhiều mùa, giờ đây chính anh Đức đã tham gia vào việc sản xuất than sinh học bền vững để cải tiến ruộng bê tông, đồng thời vận động những hộ gia đình xung quanh làm theo. Nhờ vậy, mô hình này đã được đưa vào áp dụng tại ruộng muối của 3-4 gia đình vào năm ngoái, và sẽ mở rộng hướng dẫn cho nhiều hộ gia đình khác vào năm nay.
Với tổng diện tích là 75 ha và hơn 100 hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ theo phương pháp thủ công truyền thống, việc áp dụng rộng rãi sáng kiến này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người dân trên địa bàn xã Quảng Phú.
Nhìn những ô ruộng đang dần đổi màu trên những cánh đồng muối, cô giáo Lê Thị Hảo tin rằng vụ mùa lúa và mùa muối tháng 5-9 sắp tới sẽ có nhiều đổi thay tích cực.