Ông Trần Văn Hoàng (ấp Mương Điều B, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) ở dọc tuyến sông Đầm Dơi, đoạn nối từ TP.Cà Mau đến thị trấn Đầm Dơi ngao ngán: “Đất nhà tui ngoài mé sông mất gần nửa công vì sạt lở. Dân ở đây ai cũng sợ, không ai dám cất nhà dưới mé sông nữa…”. Nhiều bà con cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở trên là do ngày nào cũng có tàu cao tốc, ghe lớn chạy ầm ầm qua các tuyến sông này. Mỗi lần tàu qua là một đợt sóng to kéo theo sạt lở đất bờ sông.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT Cà Mau) từ đầu năm 2013 đến nay đã có 23 điểm sạt lở xảy ra ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Sạt lở kéo dài hơn 751m và làm sập 48 căn nhà, một trại tôm giống, tổng thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Nếu tính toàn tỉnh Cà Mau thì hiện có 54 điểm thường xuyên sạt lở với tổng chiều dài 88.300m, trong đó có 14 điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài 13.700m, có khoảng 1.484 hộ dân sinh sống ở khu vực này bị đe dọa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Quốc Nam – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết, Cà Mau là vùng có lượng phương tiện giao thông đường thủy lớn nhất ĐBSCL. Nguyên nhân dẫn đến tốc độ sạt lở là do tác động của con người sử dụng các phương tiện giao thông cao tốc gây ra lượng sóng lớn đánh vào bờ. Thứ hai là do biên độ triều của các con sông phía đông cao, chênh lệch giữa đỉnh triều và chân triều cao, trên 3m. Vì vậy tốc độ dòng chảy lớn xoáy vào chân đất, tạo nên áp lực lớn cho đất hai bên bờ. “Sắp tới Sở sẽ khuyến cáo người dân nên chủ động sử dụng cây cọc để kè lại các tuyến sông sạt lở. Xây các bờ kè ở những nơi dân cư tập trung nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Những nơi dân cư thưa thớt thì di dời vào vùng an toàn hoặc vận động nguồn lực của người dân để tự bao kè lại, vì chi phí xây dựng bờ kè quá lớn, Nhà nước không thể xây dựng ở tất cả các con sông được” - ông Nam nói.