Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết: Từ đầu mùa mưa bão đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trận lốc xoáy làm hơn 300 căn nhà bị sập và tốc mái và sạt lở hơn 600 mét đất ven sông. Ngoài ra, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam đã nhấn chìm 5 chiếc tàu cá của bà con ngư dân, làm một người mất tích.
Hiện nay, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, sạt lở đất ven sông và ven biển đang là mối đe dọa đến tài sản và tính mạng của hàng ngàn hộ dân sống ở ven sông hoặc trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc các huyện ven biển: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Đầm Dơi, Trần Văn Thời và U Minh.
Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau yêu cầu các huyện, xã và người dân trong tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết trong mùa mưa bão, nhất là thông báo diễn biến, hướng đi của bão, áp thấp nhiệt đới để tránh, trú, nhất là các chủ phương tiện tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi; rà soát lại những nơi sạt lở để có phương án bảo vệ công trình.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết: “Biện pháp chỉ đạo hướng dẫn cho bà con chủ động phòng tránh, rà soát lại các cơ sở hạ tầng, các nhà dân ở những vị trí xung yếu, những vị trí có biên độ triều lớn thường xuyên bị sạt lở để di dời đến nơi an toàn”.
** Đến thời điểm này, nước lũ do tràn đê Bối trên địa bàn huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã bắt đầu rút. Tuy nhiên, lũ rút với tốc độ khá chậm nên còn gây nhiều khó khăn trong việc khắc phục thiệt hại do lũ gây ra.
Những ngày qua, các cấp, các ngành của tỉnh Ninh Bình và nhân dân vùng lũ đã có nhiều nỗ lực để khắc phục thiệt hại do lũ gây ra đối với diện tích lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế do nhiều diện tích ngập sâu trong nước. Đối với những diện tích hoa màu trong vùng trũng nhiều khả năng bị mất trắng do không thể tiêu nước trong thời gian ngắn với mức độ ngập úng hiện nay. Đối với những diện tích lúa, hoa màu ở vùng cao hơn bị ngập ít thì người dân vùng lũ cùng với sự hỗ trợ của các ngành, địa phương tiếp tục khoanh vùng, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, bơm tiêu nước cứu lúa, hoa màu với hy vọng khắc phục được một phần thiệt hại do lũ gây ra. Cuộc sống của nhân dân vùng lũ tuy có khó khăn song lại được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đang dần trở lại bình thường./.