Tại buổi gặp, ý kiến chung của các DN thủy sản đều nhất trí cần quản lý chặt khâu nguyên liệu đầu vào từ các hộ dân nuôi trồng, đánh bắt.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) hiện đã tập trung kiểm soát tốt chất lượng khâu chế biến từ các DN. Tuy nhiên vướng mắc thường đến từ chất lượng khâu nuôi trồng ở các hộ dân. Một số lô hàng thủy sản bị trả về thời gian gần đây cho thấy vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm không phải từ khâu chế biến.
Vì thế , nên phân rõ trách nhiệm về chất lượng: DN chịu trách nhiệm từ khâu chế biến. Nhà nước kiểm tra chất lượng từ khâu nuôi trồng, nghĩa là kiểm tra từ đầu nguồn thay vì từ từng lô hàng của DN như hiện nay.
Cạnh đó, các DN cũng phản ánh, phí kiểm tra chất lượng đang cao khiến chi phí sản xuất của DN chế biến tăng, làm giảm sức cạnh tranh. Hiện phí kiểm định từ 5 đến 15 triệu đồng một lô hàng (có DN hàng năm phải chi đến 4 tỷ đồng cho các khâu kiểm định) và thời gian kiểm định kéo dài đến 5, 7 ngày.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, để giải quyết bài toán chất lượng, từ năm 2011, Bộ đã triển khai kiểm soát chất lượng theo hệ thống (thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến…) và phân loại A, B, C để tăng giảm mức độ giám sát chất lượng. Bộ sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa việc kiểm tra này đối với các cơ sở không đáp ứng yêu cầu, đồng thời giảm tần suất kiểm tra các DN đã thực hiện tốt. Bộ trưởng nhấn mạnh “Ngành không thể nhẹ tay với một số DN vi phạm để dẫn đến việc cả nước mất đi một thị trường xuất khẩu”.
Theo Bộ trưởng, sang năm 2012, Bộ sẽ triển khai thêm việc kiểm soát chất lượng theo chuỗi, có nghĩa là rà soát lại chuỗi cung ứng để tìm ra khâu yếu nhất tập trung hỗ trợ. Sau đó kết hợp hai hệ thống kiểm soát trên và cùng tìm ra khâu yếu nhất tiếp tục hỗ trợ đến hoàn chỉnh. Thực tế cho thấy, cả nước có hàng triệu hộ dân nuôi trồng thuỷ sản, nhất là tôm và cá, Bộ không thể quản lý hết. Vì thế DN và Nhà nước nên hỗ trợ người dân trong nuôi trồng qua việc phát triển mạnh kiểm soát chất lượng theo chuỗi, từ khâu đầu con giống đến nuôi trồng, chế biến, sản xuất …
Việc trả phí trong kiểm tra an toàn vệ sinh chất lượng, theo Bộ trưởng, tư tưởng chỉ đạo của Bộ là áp dụng phí thấp nhất cho DN và mục đích trong vấn đề này là làm thế nào đảm bảo an toàn nhất cho chất lượng, đồng thời giúp DN có thêm điều kiện tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số quy định không theo hướng này, vì vậy Bộ đang đề nghị NAFIQAF xem xét lại. Để hỗ trợ DN và xã hội hoá công tác kiểm tra chất lượng, bên cạnh việc đã cấp phép cho 17 phòng kiểm tra chất lượng, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục cấp thêm phép cho các phòng kiểm tra này.
Với thị trường xuất khẩu, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ DN tăng thị trường, thị phần, Bộ cũng sẵn sàng ứng phó lại với các hành vi bôi nhọ hàng thủy sản Việt Nam. Song, tự bản thân DN cũng đừng tạo ra các cớ để đối thủ tận dụng khai thác bôi nhọ như bán phá giá, mạ băng vào cá vượt quy định…. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang trong Top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản trên thế giới, điều này cũng có nghĩa là hình ảnh DN thủy sản Việt Nam làm ăn nghiêm túc, trung thực ngày càng được cộng đồng thế giới công nhận. Vì thế DN nên cương quyết chống lại lối làm ăn gian dối để xây dựng hình ảnh chung cho thuỷ sản Việt Nam và phấn đấu sớm lọt vào Top 5 quốc gia xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới./.