Dù chưa được sản xuất giống đại trà như một số đối tượng cá nước ngọt khác, song những năm gần đây các nghiên cứu về sản xuất giống cá chạch sông được tiến hành. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả nghiên cứu về đối tượng này mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu đặc điểm sinh học, mô tả phân loại hoặc thử nghiệm sinh sản nhân tạo ở qui mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về con giống cũng như cá thương phẩm.
Đặc biệt, vấn đề khép kín vòng đời của cá chạch sông còn chưa được nghiên cứu. Nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen cá chạch sông (Mastacembelus armatus)" thực hiện tại RIA1 từ năm 2012-2015, dựa trên nền tảng của đề tài cấp cơ sở nghiên cứu về cá chạch sông năm 2010-2011, đã nghiên cứu bổ sung các đặc điểm sinh học, sinh sản của cá chạch sông.
Nhiệm vụ đã có những kết quả khả quan về khả năng khép kín vòng đời, hoàn thiện được quy trình sinh sản nhân tạo cá chạch sông với các chỉ tiêu về tỷ lệ thụ tinh đạt 79,9%, tỷ lệ nở đạt 80,4%, tỷ lệ sống khi ương cá bột lên cá hương và cá hương lên giống trên 70%.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thủy sản thuộc RIA1, chủ nhiệm nhiệm vụ chia sẻ, cuối năm 2015, bà và nhóm thực hiện đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ bao gồm: Nghiên cứu bổ sung đặc điểm sinh học sinh sản và đánh giá nguồn gen cá chạch sông; Xây dựng đàn cá chạch sông bố mẹ và hậu bị và Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chạch sông.
Nhiệm vụ cũng khẳng định nên phát triển sản xuất giống đối tượng cá chạch sông và việc chuyển giao quy trình sản xuất và ương nuôi giống cá chạch cho các cơ sở là rất cần thiết. Từ đó, có thể khai thác và phát triển nguồn gen các chạch sông một cách hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và giảm áp lực đánh bắt cá chạch sông ngoài tự nhiên.
Cũng trên đối tượng cá chạch sông, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (tại Hải Dương) thuộc RIA1 đã tiến hành thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chạch sông trong bể xi măng và đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo bà Trần Thị Thúy Hà, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên, việc thăm dò nuôi thương phẩm cá chạch sông trong bể xi măng và ao lót bạt bước đầu được đánh giá. Đây là tiền đề để đưa cá chạch sông vào danh sách đối tượng có tiềm năng phát triển nuôi.
Bên cạnh đó, việc nuôi cá chạch sông trong lồng, bè tại các sông, suối, hồ... cũng sẽ là một hướng phát triển kinh tế rất có triển vọng, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số sống tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều sông, suối, ao, hồ.
Sau thành công trong việc nhân nuôi sinh sản nhân tạo cá chạch sông, để mô hình nuôi cá chạch sông thương phẩm phát triển, Viện trưởng RIA1, PGS.TS Phan Thị Vân đề nghị RIA1 được tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống nhân tạo nhằm bảo tồn và phát triển đối tượng này, đặc biệt với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Qua đó, tiến hành thử nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm cá chạch sông và hạch toán hiệu quả kinh tế các mô hình để làm cơ sở cho việc phát triển cá chạch sông trở thành đối tượng nuôi có tiềm năng. Song song với đó, cần có các biện pháp lưu giữ, bảo tồn và phát triển cá chạch sông để đảm bảo an toàn cho nguồn gen quý hiếm này.
“Cá chạch sông là loài ăn tạp, bắt mồi chủ yếu vào chiều tối và đêm. Trong tự nhiên cá ăn thiên về động vật, thức ăn bao gồm các sinh vật đáy, các loài giun, ấu trùng côn trùng và côn trùng trưởng thành, tôm tép, thậm chí cá con cùng với mùn bã hữu cơ và một số loài thực vật. Cá chạch sông thuộc cỡ trung bình, con lớn có thể nặng đến 1kg/con với đặc điểm ngoại hình rất đặc biệt, đầu nhọn, mình tròn dài, đuôi dẹt hẹp hai bên, chuyên sống tầng nước đáy sâu. RIA1 đang thử nghiệm và thuần hóa để cá chạch sông ăn thức ăn công nghiệp”, bà Trần Thị Thúy Hà.