Thịt cá Lăng chấm mềm, ít xương dăm, giá bán cao, được coi là loại đặc sản nước ngọt hàng đầu của miền Bắc. Trước đây trong những năm 1960 - 1970 sản lượng của cá Lăng chấm chiếm tỷ trọng khá lớn của sản lượng cá đánh bắt tự nhiên của một số tỉnh miền núi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của điều kiện môi trường bị suy thoái như nạn phá rừng, đắp đập và đãi vàng ở lòng sông, nhưng chủ yếu là do khai thác quá mức bằng những phương tiện hủy diệt nên sản lượng cá Lăng chấm giảm sút nghiêm trọng. Ngoài ra, cá Lăng chấm là loài cá có kích thước tương đối lớn, ham ăn mồi (là loài ăn thịt), sức sinh sản thấp nhưng việc tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa được quan tâm nên sản lượng cá Lăng chấm giảm sút nghiêm trọng có thể dẫn tới nguy cơ bị tuyệt chủng.
Cá Lăng chấm là loài cá sinh sống ở sông, vì vậy phương thức nuôi cá lồng bè trên sông là phù hợp với tập tính sinh trưởng của cá Lăng chấm so với các phương thức khác. Ngoài ra, cá Lăng chấm cũng là loại cá bản địa của tỉnh Phú Thọ, với điều kiện thiên nhiên thuận lợi với hàng trăm km sông chảy qua sẽ là lợi thế lớn của tỉnh Phú Thọ so với các địa bàn tỉnh khác nếu chuyển đổi một phần cơ cấu nuôi cá truyền thống sang nuôi cá Lăng chấm.
Từ thực tiễn việc nuôi trồng thủy sản và định hướng phát triển thủy sản của tỉnh Phú Thọ gắn với việc tái cơ cấu ngành Thủy sản, được sự quan tâm của tỉnh Phú Thọ, giai đoạn từ năm 2017 - 2019 Công ty TNHH MTV Tư vấn dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao đã được giao thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Lăng chấm trên sông Lô tại tỉnh Phú Thọ”. Mục tiêu của dự án là tiếp thu và làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo và công nghệ nuôi thương phẩm để xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Lăng chấm trong lồng trên sông Lô nhằm khai thác và phát triển giống cá có lợi thế của tỉnh, phục vụ Chương trình phát triển thủy sản tại tỉnh Phú Thọ. Dự án triển khai thực hiện song song hai mô hình đó là mô hình cho sinh sản nhân tạo để sản xuất giống Lăng chấm và mô hình nuôi thương phẩm cá Lăng chấm trong lồng trên sông.
Sau hơn hai năm rưỡi triển khai thực hiện, dự án đã mang lại những hiệu quả nhất định, hứa hẹn mô hình nuôi cá Lăng chấm có thể mở rộng thành mô hình nuôi đại trà cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các sông hồ lớn đầu nguồn tỉnh Phú Thọ.
Ở mô hình sinh sản nhân tạo, dự án đã triển khai thực hiện công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá Lăng chấm theo công nghệ mới, phức tạp hơn so với công nghệ sản xuất cá giống trước đây. Quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo cá Lăng chấm được tiến hành công đoạn đầu tiên là tuyển chọn, nuôi vỗ cá bố mẹ, tiếp đến kích thích sinh sản nhân tạo, thụ tinh nhân tạo, ấp trứng, ương cá bột lên cá hương, ương cá hương lên cá giống và cuối cùng là thu hoạch cá giống cung ứng cho người nuôi thương phẩm. Cá Lăng chấm bố mẹ được nuôi vỗ trong lồng trên sông có độ sâu nước từ 3m - 3,5m, cho ăn theo đúng chế độ dinh dưỡng. Sau khi nuôi vỗ, chọn lựa cá bố mẹ thành thục cho sinh sản nhân tạo. Tiêm kích dục tố cho cá đẻ bằng hormone LRHa kết hợp với Domperidone (25µg LRHa + 6 mg Dom).
Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cá Lăng chấm khác so với một số loài cá khác do tuyến sinh dục cá Lăng chấm đực hình lược, lượng sẹ rất ít và không vuốt được như các loài cá chép, trôi, trắm cỏ… nên phải mổ cá đực để lấy tuyến sẹ, thụ tinh cho trứng bằng phương pháp thụ tinh khô. Cá đực sau khi khâu lại vết mổ có thể thả vào ao tiếp tục nuôi vỗ sử dụng cho những năm sau. Bằng phương pháp mổ cá đực lấy tuyến sẹ nghiền nhỏ để thụ tinh nhân tạo, công nghệ này đã khắc phục được tình trạng khó vuốt tinh khi thụ tinh nhân tạo ở các loại cá da trơn do buồng sẹ có nhiều nốt thắt. Để ấp trứng sử dụng bằng khay kích thước 0,40m x 0,25m x 0,05m với mật độ ấp từ 10 - 12 trứng/cm2 (tương đương 10.000 - 12.000 trứng/khay). Khay ấp trứng đặt trong bể sục khí và được sục khí thường xuyên để đảm bảo lượng ôxy hòa tan đạt trên 6mg/l . Trong quá trình ấp, loại bỏ trứng hỏng và trứng không thụ tinh bằng ống hút. Thay nước định kỳ 8 giờ/ lần, mỗi lần thay 1/2 - 2/3 lượng nước trong bể ấp. Trứng nở thành cá bột sẽ tiến hành ương cá bột thành cá hương. Cá bột mới nở đến 30 ngày tuổi được ương trong bể kính có diện tích 0,25 - 0,50m2, độ sâu mực nước 0,25m. Trước khi ương cá cần cọ rửa bể sạch sẽ và tẩy trùng sạch sẽ bằng Formalin với nồng độ 40ppm. Thức ăn cho cá bột là trùng chỉ và động vật phù du. Sau giai đoạn ương cá bột chuyển sang giai đoạn ương cá hương trong bể xi măng có diện tích 2 - 3m2, độ sâu 0,5 m để luyện cho cá ăn thức ăn chế biến tổng hợp .
Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty TNHH MTV Tư vấn dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao đã cho 30 cá bố mẹ sinh sản (cá có trọng lượng trung bình >2,5kg/con); tỉ lệ cá đực/cái là 1:1,5 trong đó: 12 cá đực, 18 cá cái; cá khỏe mạnh, đồng đều về kích cỡ, thành thục tốt, đảm bảo lai xa tránh đồng huyết). Trong quá trình thụ tinh tỷ lệ cá cái đẻ: 14/18 con (80%) ; tổng số trứng đẻ: 82.013 quả; số trứng thụ tinh 40.462 (50%); số cá nở: 23.296 (trong đó: Cá bột: 21.702, cá dị hình: 1.594). Kết quả đã thu được 21.702 con cá bột, ương được 15.902 con cá hương. Nuôi từ cá hương lên cá giống được 10.500 con cá giống cỡ 4 - 6 cm, tỷ lệ sống 82%. Thành công trong việc sản xuất cá Lăng chấm giống bằng phương pháp nhân tạo mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản tỉnh Phú Thọ, người chăn nuôi có thể chủ động về con giống để phát triển nuôi thương phẩm trên diện rộng.
Ở mô hình nuôi thương phẩm cá Lăng chấm bước đầu mang lại những thành công. Mô hình nuôi thử nghiệm ở 3 lồng cá trên sông với 3.000 con giống đã mang lại hiệu quả. Lồng được đặt ở nơi nước chảy không quá mạnh, lưu tốc dòng chảy 0,3 - 0,5m/giây; mật độ nuôi 7 con/m2. Trong quá trình nuôi thương phẩm thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, môi trường như nhiệt độ, oxy, pH; hàng tuần thu mẫu và phân tích các chỉ tiêu thủy hóa như NH3, NO2, H2S đồng thời theo dõi khả năng sinh trưởng phát triển của cá bằng cách cân mẫu; theo dõi tiêu tốn thức ăn cho từng giai đoạn.
Sau hơn 2 năm nuôi trong lồng trên sông bằng nguồn thức ăn tươi sống có sẵn tại địa phương kết hợp với thức ăn công nghiệp bổ sung giai đoạn đầu đến nay cá đạt khối lượng trung bình lớn hơn 2,0 kg/con, đây là kết quả rất khả quan, tăng hơn nhiều so với mô hình nuôi cá Lăng chấm trong ao do Chi cục Thủy sản nuôi đã công bố. Trong quá trình nuôi, tỷ lệ cho ăn cần điều chỉnh tùy theo trọng lượng và thời tiết mùa vụ: Mùa hè cần cho ăn với tỷ lệ cho ăn cao hơn và cần có biện pháp phòng chống bệnh cho cá như thường xuyên treo túi vôi bột cạnh sàng ăn với lượng 2 - 4kg/túi/sàn; tiến hành bổ sung thêm vitamin và khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng của cá. Các điều kiện môi trường thường xuyên được kiểm tra theo dõi để có biện pháp khắc phục và hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện nuôi trong lồng trên sông tại Phú Thọ.
Bên cạnh những thuận lợi như cá nuôi cá Lăng chấm ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, giá bán cao và dễ bán thì cũng còn những khó khăn cho người nuôi như môi trường nước sông nuôi cá Lăng chấm phải luôn trong sạch, giá mua con giống khá cao và thời gian nuôi dài (≥ 18 tháng) nên người nuôi cần phải có nhiều vốn và thời gian thu hồi vốn lâu. Chính vì vậy để phát triển nhân rộng mô hình nuôi cá Lăng chấm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cần sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của nhà nước nhằm phát huy tốt tiềm năng nuôi cá nước ngọt, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Có thể nói, thành công của mô hình ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Lăng chấm trên sông Lô tại tỉnh Phú Thọ đã khẳng định thêm những bước tiến mới về sự trưởng thành và phát triển của đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng như người dân trong quá trình tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Góp phần nâng cao sản lượng sản phẩm thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh, giúp cho phong trào nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững. Dần thay đổi tập quán nuôi, đưa áp dụng các quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế việc khai thác bừa bãi nguồn thủy sản ngoài tự nhiên, góp phần bảo tồn nhiều loài thủy sản quý hiếm. Từ đó, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người nuôi trồng thủy sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hy vọng trong tương lai gần loài cá Lăng chấm sẽ trở thành đối tượng nuôi phổ biến, không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi mà còn góp phần bảo tồn giống cá quý.