Cá bố mẹ được vận chuyển từ tỉnh Hậu Giang về nuôi vỗ tại trại cá giống Phương Lai, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng. Cá được ăn thức ăn có hàm lượng protein từ 30-32%. Tuy điều kiện thời tiết hai miền Nam - Bắc khác nhau, cá vẫn sinh trưởng tốt. Tỷ lệ sống của cá trong những tháng mùa đông tuy giảm, nhưng vẫn đạt 86%. Tỷ lệ thành thục đạt 98%, tương đương với một số một số đối tượng cá nuôi truyền thống như cá chép, cá trôi Ấn,… và cao hơn một số đối tượng nuôi khác như cá trắm cỏ, cá chim trắng trong điều kiện khí hậu miền Bắc.
Sau khi nuôi vỗ, cá bố mẹ được chọn lọc để sinh sản nhân tạo. Cá được tiêm kích dục tố, sau đó thả trong bể xi măng theo tỷ lệ 1 đực: 1 cái để tiến hành giao phối và đẻ trứng. Trứng cá được thu gom và ấp trong điều kiện có sục khí với mật độ 3.000 trứng/lít. Cá bột sau 3 ngày nở được chuyển ra ao ương. Thu cá giống sau 40-45 ngày ương.
Với 75.000 con cá giống, nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm ứng dụng và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá rô đồng đầu vuông tại Hải Phòng. Kết quả cho thấy, năng suất và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư tại ao nuôi mật độ 25 con/m2 là cao nhất (30 tấn/ha và 25,6%).
Từ quá trình thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đề xuất quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá rô đồng đầu vuông tại Hải Phòng, đồng thời so sánh quy trình này với quy trình tại Hậu Giang. Theo đó, mùa vụ sinh sản của cá rô đồng đầu vuông tại Hải Phòng từ tháng 3 đến tháng 8, tại Hậu Giang từ tháng 2 tới tháng 9; mật độ để nuôi thương phẩm cá rô đồng đầu vuông tại Hải Phòng tốt nhất là 25 con/m2, tại Hậu Giang là 80 - 100 con/m2; nuôi thương phẩm cá rô đồng đầu vuông tại Hải Phòng chỉ thực hiện 1 vụ/năm, tại Hậu Giang là 2 vụ/năm.
Đề tài đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao nhờ những hiệu quả thực tiễn mang lại, góp phần chủ động nguồn giống cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản của thành phố.