Theo khảo sát mới đây của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho thấy khu vực này đang có nhiều loài động thực vật ngoại lai xâm lấn những sinh vật bản địa, làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học.
Bước đầu, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã ghi nhận 12 loài ngoại lai xâm hại gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Khu bảo tồn trong đó có năm loài thực vật gồm cây mai dương (tên khoa học là mimosa pigra), cây trinh nữ móc (mimosa diplotricha), cỏ lào (chromolaena odorata), bèo tây (eichhornia crassipes) và cây bông ổi (lantana camara).
Có năm loài cá được xác định là những loài ngoại lai du nhập vào các hồ, đập của Khu bảo tồn gồm cá lau kiếng (tên khoa học là hypostomus punctatus), cá hoàng đế (cichea ocllaris), cá chim trắng (colosoma brachypomum), cá trê phi (clarias gariepinus) và cá rô phi đen (oreochromis mossambicus).
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện một loài lưỡng cư bò sát là rùa tai đỏ (tên khoa học là trachemys scripta subs.elegans) và một loài động vật không xương là ốc bươu vàng (pomacea caniculata).
Theo đánh giá, tác hại của những loài sinh vật ngoại lai này đối với sinh vật bản địa là rất nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, những loài sinh vật ngoại lai sẽ lấn át các sinh vật bản địa và dần sẽ gây mất cân bằng sinh thái và tác động đến môi trường.
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân làm cho sinh vật bản địa suy yếu và tạo cơ hội cho sinh vật ngoại lai xâm lấn.
Trước đó, vào năm 2006, đã xuất hiện tình trạng một số loài cá ngoại lai trong đó có loài cá hoàng đế xuất hiện tại hồ Trị An. Đây là loài ngoại lai du nhập từ Nam Mỹ, do một số hộ dân nuôi cá trong lòng hồ thả xuống để nuôi làm cá cảnh. Không lâu sau, loài cá hoàng đế xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều trong khu vực lòng hồ Trị An.
Trước những cảnh báo về loài cá ngoại lai nguy hiểm này, ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đã cử một nhóm nhà khoa học nghiên cứu về loài cá hoàng đế này.
Nhóm nghiên cứu đánh giá đây là loài cá ngoại lai du nhập vào trong nước bằng hình thức nhập về để làm cá cảnh. Loài cá hoàng đế ăn tạp và sinh trưởng rất nhanh, chúng ăn bất cứ thứ gì ở những vùng nước có loài này sinh sống, do đó nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái nguồn nước là rất cao./.