Anh Nguyễn Văn Út, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Hậu Giang cho biết: những năm trước gia đình anh sống bằng nghề lưới, giăng trên kênh câu với lượng cá đồng khá phong phú. Nhưng từ khi cá lau kính xuất hiện thì các loài bản địa giảm dần và đến nay thì cá lau kiếng chiếm lĩnh “thị trường” và đang sinh sản với cấp số nhân.
Rùa tai đỏ, ốc bươu vàng cũng xuất hiện ngày một nhiều trên đồng ruộng Hậu Giang, đặc biệt khi vào mùa nước nổi là thời điểm ốc bươu vàng đẻ trứng, sinh sản nhiều nhất trong năm. Đây là loài vật ngoại lai đang gây hại nặng nhất cho người dân trồng lúa tỉnh này, họ tốn rất nhiều công sức, tiền của hủy diệt nhưng không mang lại hiệu quả.
Điều lo lắng hơn là thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuất hiện nhiều thương lái ngoài tỉnh thu mua ốc bươu vàng với giá cao. Không rõ họ mua về chế biến gì, bán ở đâu nhưng người dân đua nhau ra đồng bắt ốc bán với sản lượng thu gom cả trăm tấn mỗi ngày. Thực tế, việc làm này đã góp phần tận diệt số lượng lớn ốc bươu vàng sinh sống ngoài môi trường, nhưng nhiều người chỉ vì lợi ích trước mắt đã thu mua ốc trữ lại chờ giá, hoặc có ý định tổ chức nuôi vô tình tiếp tay cho loài vật gây hại này sinh sản ra bên ngoài.
Các loài sinh vật này giờ không chỉ không chỉ là vật nuôi làm cảnh mà trở thành món ăn thông thường của người dân Hậu Giang. Do đó, mọi giao dịch, mua bán cũng diễn ra bình thường như các hàng hóa khác ngoài chợ. Dù biết đây là sinh vật ngoại lai gây hại mùa màng nhưng được người dân mang ra bán tràn lan ở các chợ mà không hề có sự kiểm soát, nghiêm cấm của ngành chức năng tỉnh này.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, không riêng gì Hậu Giang mà các loài sinh vật ngoại lai này đang có mặt khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù các nhà chuyên môn đã khuyến cáo khi xuất hiện ở các cơ sở kinh doanh cá cảnh, nhưng vì thị hiếu, không hiểu rõ mức độ nguy hại, người dân đua nhau nuôi cảnh, làm kiểng trong nhà, đến khi phát triển nhiều thì vô tư mang ra thả xuống kênh rạch, ao hồ, sinh sản tràn lan ra bên ngoài.
Cá lau kính, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng – là loài sinh vật ngoại lai, hầu như không có giá trị kinh tế, đã xuất hiện với mật độ ngày càng, tại nhiều nơi trong tỉnh, làm cho người dân hết sức lo lắng trong sản xuất, mùa màng, cho sự phát triển và tồn tại của các loài cá đồng bản địa. Thế nhưng một số địa phương vẫn chưa có kế hoạch khảo sát cụ thể, đánh giá mức độ gây hại, để có thể đưa ra khuyến cáo người dân cùng ngăn chặn các sinh vật ngoại lài này phát triển ra diện rộng.