Giảm diện tích nuôi tôm
Những năm trước, thời điểm này trên những hồ nuôi tôm ở thôn Tây Giang (xã Bình Sa) luôn tấp nập người ra vào để thu mua tôm thẻ chân trắng và vận chuyển đi khắp nơi để tiêu thụ nhưng năm nay mọi thứ diễn ra gần như ngược lại.
Anh Hoàng Văn Triều, người đã có kinh nghiệm 10 năm nuôi tôm tại thôn Tây Giang cho hay, tôm nuôi của gia đình chết hàng loạt khi vừa thả được 10 ngày, tôi chỉ còn cách cắt giảm diện tích và khoanh vùng ao nuôi.
“Do ô nhiễm nguồn nước, bị con giống hay môi trường chi cũng không biết rõ. Đợt vừa rồi tôi đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để thuê thêm hồ nuôi, nhưng rồi tôm chết hết. Bây giờ cạn vốn nên cũng không dám đầu tư nuôi tiếp” – anh Triều nói.
Anh Bùi Quang Vinh (thôn Tây Giang) cho biết: "Dù nuôi lót bạt hay nuôi thả truyền thống thì tình trạng tôm chết vẫn ngày một tăng. Tôi cũng cố gắng cầm cự 2 ao nuôi để vớt vát, chứ giờ nuôi cứ lỗ miết, nên không dám tái vụ”
Theo ông Huỳnh Thanh Hùng - Trưởng thôn Tây Giang, những năm qua, nghề nuôi tôm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trên địa bàn nhưng hiện tại không ít người dân phải “ngậm đắng” với nghề này.
Không đủ vốn để tiếp tục xuống giống trở lại, nhiều hộ nuôi nơi đây đã chọn phương án là giảm diện tích hồ nuôi với hy vọng sẽ vớt vát được phần nào chi phí đầu tư đã bỏ ra.
“Nhiều hộ đã vay ngân hàng hết rồi, thậm chí mượn thêm sổ đỏ của người thân, gia đình để vay vốn đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên, càng nuôi, càng bế tắc vì không biết nguyên nhân tôm chết” – ông Hùng thông tin.
Ưu tiên xử lý nguồn nước
Tính đến cuối tháng 4/2023, toàn huyện Thăng Bình có 48 hộ nuôi tôm với diện tích 14,5ha bị dịch bệnh, tập trung nhiều nhất tại các xã Bình Sa, Bình Nam, Bình Giang… Trong khi đó, thống kê chung trên toàn tỉnh hiện nay hơn 20ha diện tích ao nuôi bị dịch bệnh, tập trung tại các xã ven sông Trường Giang.
Bà Hoàng Thị Kim Yến – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi tiếp nhận báo cáo từ các địa phương, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để lấy mẫu bệnh phẩm… Kết quả ban đầu xác định, diện tích tôm nuôi bị chết chủ yếu bị bệnh đốm trắng, một số diện tích bị hoại tử gan tụy...
Bà Hoàng Thị Kim Yến khuyến cáo người nuôi tôm cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trong môi trường ao nuôi, đặc biệt là khâu xử lý nước. Ảnh: V.T
Theo bà Yến, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp mưa dông vào buổi chiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích ao nuôi, gây biến động các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi. Ngoài ra, việc chưa xử lý nguồn nước ao bị bệnh trước khi xả ra môi trường sẽ là tác nhân lây lan mầm bệnh sang diện tích ao nuôi khác. Đối với các diện các trường hợp này do người dân thả nuôi trước lịch thời vụ.
Đối với các địa phương có tôm bị bệnh đốm trắng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam đã tiến hành thủ tục cấp phát Sodium Chloride đến các địa phương để hỗ trợ người dân khử trùng nguồn nước ao trước khi xả ra môi trường để hạn chế lây lan.
“Người dân cần duy trì ổn định môi trường nuôi bằng các biện pháp cơ học như quạt nước, sục khí đáy và xi phông đáy ao, cải thiện thích hợp các yếu tố môi trường nước như độ PH, kiềm…
Cạnh đó, tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, men vi sinh trong thức ăn. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xử lý, tuyệt đối không tự ý sử dụng các chế phẩm, hóa chất không rõ nguồn gốc” – bà Yến khuyến cáo.