Năm 2018, Sóc Trăng có diện tích tôm nuôi bị thiệt là 13.373 ha, chiếm tỷ lệ 23,8% so với diện tích thả nuôi. Dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ chủ yếu là hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng, trong đó thiệt hại do đốm trắng chiếm tỷ lệ 22,4%, bệnh hoại tử gan tụy cấp 22,8% còn lại 54,7% thiệt hại do các yếu tố môi trường và các loại bệnh khác. Theo kinh nghiệm của người nuôi tôm, trong một vụ nuôi các tác động xấu từ mầm bệnh và môi trường thường có nguy cơ 30% ảnh hưởng đến con tôm, nhưng nếu con tôm giống không tốt, nguy cơ này sẽ tăng lên 80%, vụ nuôi đó cũng gần như thất bại hoàn toàn.
Hàng năm, tỉnh Sóc Trăng có nhu cầu khoảng 15 tỷ con tôm giống nước lợ để phục vụ cho nghề nuôi tôm thương phẩm. Tuy nhiên, các trại sản xuất tôm nước lợ trong tỉnh chủ yếu là các cơ sở ương dưỡng, nguồn tôm giống chủ yếu nhập từ các tỉnh Miền Trung, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bạc Liêu. Do đó, để quản lý tốt chất lượng con giống nhập tỉnh ngoài việc tăng cường kiểm dịch gốc tại các cơ sở sản xuất giống thì công tác tầm soát và cảnh báo dịch bệnh trên tôm giống của cơ quan chuyên môn tại tỉnh cũng đóng vai trò quan trọng.
Năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đã thu 180 mẫu tôm giống để xét nghiệm, kết quả có 1 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng (chiếm tỷ lệ 0,56%) và 7 mẫu dương tính hoại tử gan tụy cấp (chiếm tỷ lệ 3,89%), các mẫu còn lại đều âm tính.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng kiểm tra cơ sở bán tôm giống.
Tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, Trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật được trang bị phục vụ công tác xét nghiệm bệnh thủy sản trên lĩnh vực sinh học phân tử bằng phương pháp PCR/Real-time PCR. Hàng năm các trang thiết bị phục vụ xét nghiệm đều hiệu chuẩn và bảo trì. Cán bộ thực hiện xét nghiệm đã qua nhiều lớp đào tạo về sinh học phân tử và thường xuyên được đưa đi tập huấn nâng cao ở các Viện nghiên cứu hay Cơ quan Thú y Vùng, đây là nơi tin cậy để nông dân có thể đem mẫu đến gửi xét nghiệm nếu có nghi vấn về chất lượng tôm giống, trước khi thả tôm vào ao.
Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu Từ, đầu năm 2019 đến nay do thời tiết và điều kiện môi trường còn chưa phù hợp nên người dân chủ yếu thực hiện các khâu cải tạo đầu vụ như sửa ao, bón vôi, lấy nước... để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Hiện tại tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ là 549 ha, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng với diện tích là 441 ha.
Năm 2019, lịch thả giống tôm nước lợ của thị xã Vĩnh Châu dự kiến là từ 1/4 đến 30/9/2019. Hiện tại do thời tiết khá bất lợi dẫn đến tôm dễ cảm nhiễm với mầm bệnh, do đó bà con cần lưu ý tuân thủ lịch thời vụ của địa phương, chỉ thả giống khi các yếu tố môi trường ổn định, thuận lợi, phù hợp đối với tôm nuôi.
Để tăng cường công tác quản lý giống, địa phương đã thành lập đội liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh, ương dưỡng giống trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu cũng tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ trên Đài truyền thanh Thị xã, đặc biệt là tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật trong chọn giống, các phương pháp và chỉ tiêu xét nghiệm để chọn được con giống tốt nhất.
Hiện tại phòng xét nghiệm tại thị xã Vĩnh Châu được dự án CRSD đầu tư trang thiết bị, UBND thị xã Vĩnh Châu đầu tư kinh phí để mua các loại kit, hóa chất… để vận hành. Phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm trên nhiều chỉ tiêu (EMS; WSSV…. ) để phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản. Trong đó có các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa như: Kali, Canxi, Mg, kiềm, pH, độ mặn, Vibrio tổng số, kiểm tra bệnh ký sinh trùng trên tôm nuôi, xét nghiệm PCR các bệnh truyền nhiễm trên tôm.
Anh Nhan Trung Nghĩa, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu sẽ phối hợp với đội liên ngành của Phòng kinh tế cùng với cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng sẽ lấy mẫu trên tôm giống để tầm soát dịch bệnh. Phối hợp với đội liên ngành tăng cường kiểm tra các cơ sở ương dưỡng tôm giống trên địa bàn để hạn chế tôm giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra chất lượng tôm giống, hướng dẫn bà con lấy mẫu để kiểm tra các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể nhiễm trên tôm giống để bà con mua được con giống tốt nhất”.