Sóc Trăng đã thành lập được 3 nhóm đồng quản lý, nhằm tập hợp ngư dân đánh bắt ven bờ để hỗ trợ ngư lưới cụ, tăng cường năng lực khai thác hợp lý nguồn lợi, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ven bờ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa sinh kế của người dân với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ven bờ. Thông qua hoạt động này đã nâng cao hiệu quả giám sát cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên môi trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Ở tiểu hợp phần “Thực hành tốt nuôi trồng thủy sản bền vững” chú trọng đến mục tiêu tổ chức vùng nuôi, hình thành 5 tổ hợp tác để triển khai áp dụng biện pháp thực hành VietGAP, từ đó giúp người nuôi tăng lợi nhuận, đảm bảo an toàn vùng nuôi, an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, phù hợp xu thế phát triển bền vững đối với nghề nuôi trồng thủy sản tại Sóc Trăng.
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới và Ban điều hành dự án tại Việt Nam đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng, bước đầu đã tổ chức người dân tham gia tích cực và nhận thức đúng đắn mục tiêu phát triển gắn với khai thác, nuôi trồng hợp lý mang tính bền vững cao.