Soi lòng biển qua cảng cá Phước Tỉnh

Cảng cá Phước Tỉnh (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) vắng teo khi màn đêm buông xuống. Chúng tôi ngồi hóng mát trong cái gió hiu hiu mang vị mặn, tanh nồng của cá, tôm, của rác rưởi mà những chiếc tàu cá bỏ lại trước khi ra khơi hoặc sau khi cập bến.

vận chuyển cá
Ngư dân lên cá ở cảng Phước Tỉnh. Ảnh: Việt Văn

Vài phụ nữ cặm cụi thu dọn mấy đống ghẹ chết đã trương sình, đổ tràn trên sân bến. Những con ghẹ chỉ bé bằng hai ngón tay mà nhiều người gọi là ghẹ sữa, chắc vì còn đang ở độ tuổi “bú tí”. Tôi nhớ hồi sáng, ở trên bến, một ngư dân bảo, với con tàu giã cào của ông, trừ những con cá sống mặt nước đến độ sâu 20m thì không sinh vật biển nào dù bé bằng ngón tay, có thể thoát. Ghẹ sữa chẳng ai mua, vì vừa nhỏ, hầu hết đã chết, nên chỉ còn cách đổ đi.

Kiệt nguồn

Tối nay, chúng tôi gặp một người đã từng đi biển hơn 20 năm, gắn bó gần hết cuộc đời với nghề đánh bắt cá. Nay ông đã “gác kiếm” không phải vì sức yếu, mà đơn giản như lời ông nói, “làm nghề cá giờ không có ăn nữa. Có còn tôm cá đâu mà đi”.

Ngư dân Trần Kép, sinh năm1965, quê ở Quảng Ngãi. Cả vùng Phước Tỉnh này, ngư dân Quảng Ngãi đổ vào làm ăn sinh sống mấy chục năm nay, đi đâu cũng nghe giọng Quảng.

Ông Kép bảo ngày trước cá tôm còn bộn, làm ăn tốt, mỗi chuyến ra khơi đều thu lời. Nhưng giờ mà ra khơi thì cầu may, mong sao đừng lỗ. Mà lỗ hoài thì phá sản, bỏ nghề. “Nên thôi, biết và dừng trước để bảo đảm an toàn”, ông Kép bảo.

Hồi trẻ, ông từ Quảng Ngãi vào làng cá Phước Tỉnh, một trong những trung tâm nghề cá của vùng biển Đông Nam bộ, lập nghiệp với hai bàn tay trắng, không vợ con, không người thân. Hơn chục năm sau, ông tích góp được số vốn kha khá, bắt đầu đóng tàu đánh bắt. Ông về quê kêu gọi thêm anh em vào cùng làm ăn. Vài năm sau, ông đóng thêm ba đôi tàu. Kinh tế gia đình khá giả, dư ăn dư để. Con cái học hành đến nơi đến chốn.

Thời đó, khoảng từ năm 1995-2000, ghe tàu nào đi về cũng đầy ắp cá. Nhưng, những năm gần đây, nguồn cá khan hiếm dần. Mỗi chuyến đi ít cá dần. Rồi bạn tàu cũng nản, đổi nghề, không theo tàu nữa. Muốn duy trì mấy cặp tàu cũng không thể. “Ra khơi là lỗ mà nằm lại trong bờ cũng chết. Đành bán đi từng chiếc tàu mà cả đời tích góp có được. Muốn đổi nghề nhưng cái vùng đất Phước Tỉnh này, không làm nghề biển thì chẳng biết làm gì. Hơn nữa, nghề cá đã gắn bó với mình bao năm qua nên cố gắng giữ lại một đôi”, ông Kép nói.

Đêm nào ông Trần Kép cũng ra bến cá ngồi vài tiếng. Ông bảo nhớ biển, nhớ về cái thời vàng son của nghề đánh cá. “Hồi đó, bắt cá to không à, cá nhỏ là bỏ. Chứ bây giờ, cá nào cũng bắt đến kiệt. Ở cái cảng này, tìm cá to là hơi hiếm”, ông Kép nói. Hất hàm về đống ghẹ sữa chết, ông bảo, ngày trước những loại này không ai bắt.

Sáng nay, ông chủ đôi tàu cá kiêm tài công Nguyễn Văn Thi, sinh năm 1965, quê gốc Quảng Ngãi đang lui cui vận chuyển hàng hóa thiết yếu lên tàu để chuẩn bị ra khơi. Ông bảo, mỗi chuyến đi, con tàu chở theo gần 2.000 cây nước đá, 60.000 lít dầu. Tính ra chi phí gần 1 tỷ đồng. Chưa kể tiền công phải trả cho bạn tàu (thủy thủ) mỗi người 9- 10 triệu/ chuyến. Nếu chuyến nào cá ít, phải đi tới 45 ngày thì phải trả tiền công thêm cho anh em. “Tui vừa lái tàu luôn để tiết kiệm tiền thuê tài công. Chi phí bỏ ra nặng mà lãi thu về bấp bênh, hên xui lắm. Đi lỗ vài chuyến là coi như bán tàu trả nợ”, ông Thi bảo.

Vài năm trở lại đây, nguồn hải sản ở những ngư trường truyền thống vơi dần. Trước đánh bắt bằng lưới vây, nay tàu của ông Thi chuyển hẳn sang giã cào. Phương thức đánh bắt này như kiểu tận thu nhưng hiệu quả vẫn không mấy khả quan.

“Đánh kiểu giã cào thì cá nào cũng bắt được, vậy mà còn không có cá để bắt. Muốn đi xa thì nặng chi phí trang bị công nghệ đánh bắt hiện đại, máy dò đàn cá…. Với lại rất sợ đi lọt qua vùng biển của nước bạn. Lọt qua đó hải sản còn nhiều nhưng mạo hiểm. Bị bắt là coi như mất trắng”, ông Thi nói.

Buổi tối, cảng cá Phước Tỉnh giờ đây tĩnh lặng dù ngày trước cảng hoạt động nhộp nhịp cả ngày lẫn đêm. Tàu về cũng thưa dần vào buổi tối, hoặc có về cũng không buồn lên cá. Họ neo lại đợi đến sáng.

Khoảng 7h sáng, cảng cá cũng chỉ có vài ba tàu cập cảng, đưa cá lên bờ cho các vựa. Rất dễ bắt gặp những nhóm bốc xếp cá thảnh thơi, nhàn nhã. Anh Hoài, một người bốc xếp cá tại cảng than thở, giờ thưa việc lắm. “Lâu lâu mới có đợt tàu vào nhiều, còn lại là thường xuyên ngồi chờ việc”, anh Hoài nói.

bày bán cá
Cá trong chợ được bày bán cũng toàn loại nhỏ

Ngay cạnh cảng cá là chợ Phước Tỉnh cũng bày bán nhiều loại hải sản nhưng dạo một vòng chợ, phần lớn là cá nhỏ vài ngón tay. Một tiểu thương ở chợ cho biết, cá lớn vài cân trở lên giờ khan hiếm. Những rổ mực, rổ bạch tuộc con nào con nấy bé tin hin. Vài con cá đuối chỉ bằng cái đĩa nhỏ. Tôi bất giác chạnh lòng khi từng chứng kiến những con cá đuối to bằng cái nong, nặng vài tạ mà người ta câu được trên sông Chao Phraya đổ ra vịnh Thái Lan.  

Ông Trần Văn Hoa, cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy hải sản xã Phước Tỉnh cho biết, hằng năm sản lượng đánh bắt cá của địa phương có chiều hướng giảm. Theo ông, do sản lượng cá ngày càng cạn kiệt nên ngư dân chuyển sang đánh bắt, khai thác mực là chủ yếu.

Ông Hoa cũng cho biết, mặc dù sản lượng giảm thu nhập thấp, chỉ đủ cầm cự nhưng số lượng tàu ghe đóng thêm vẫn tăng. Bởi ở đây, ngoài nghề đánh bắt cá, người dân không biết chuyển sang làm nghề gì.

Vì đâu nên nỗi?

Nói về sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ xuất phát từ việc đánh bắt của ngư dân.

Theo ông, nguồn hải sản của chúng ta có trữ lượng từ 4 – 5 triệu tấn, trong khi hằng năm chỉ khai thác khoảng 2,5 triệu tấn. Đây vẫn là con số an toàn. Diện tích đánh bắt trên biển trước kia có giới hạn, ngày nay đã mở rộng ra những ngư trường chung. Loại tàu đánh bắt xa bờ đã phát triển từ 90 – 500 CV. Hiện nay cả nước có 130.000 tàu từ 20 CV trở lên. Đánh bắt xa bờ chỉ có khoảng 28.000 chiếc. Số còn lại thì là tàu đánh bắt ven bờ. Đội tàu đánh bắt ven bờ quá đông, do đó việc tái tạo nguồn lợi không kịp, dẫn đến giảm sút nguồn.

con ghẹ
Những con ghẹ sữa đang độ tuổi “bú tí”

“Chúng ta xuất phát từ nghề đánh cá ven bờ. Tàu thuyền nhỏ còn rất nhiều. Chủ lực hiện nay vẫn là nghề đánh bắt ven bờ. Do đó, đội tàu thuyền sáng đi tối về rất nhiều. Chuyện này diễn ra hàng trăm năm nay”.

Nói về giải pháp, tiến sỹ Thắng cho biết, hiện nay nhà nước đã có chủ trương khuyến khích đánh bắt xa bờ. Mới đây là Nghị định 67 về việc hiện đại hóa nghề cá, tuy nhiên cũng cần thời gian để phát huy tác dụng.

Ngoài ra, Nhà nước còn có quy định về kiểm tra, kiểm soát các dụng cụ đánh bắt thủy hải sản. Chúng ta có quy định lưới đánh, kích thước mắt lưới, loại tàu nào nên hạn chế, loại nào nên giảm dần. Hạn chế loại tàu đánh bắt cá bằng lưới giã cào, đánh bằng ánh sáng đèn theo phương thức tận thu, tận diệt.

“Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản ven bờ là phải bảo vệ tổng hợp. Đó là các công trình thủy điện chắn các dòng sông trên đất liền làm mất luồng di cư của nhiều loài cá, mất đi nguồn nước để các loài cá phát triển, mất đi nguồn tài nguyên thức ăn cho các đàn cá nổi ven bờ cũng như xa bờ.  Đàn cá nổi xa bờ có tiếp cận đàn cá ven bờ của Việt Nam hay không là phụ thuộc vào sự phát triển của đàn cá nổi ven bờ. Đàn cá nổi ven bờ có phát triển được hay không là do nguồn lợi từ các sông đem ra”, ông Thắng nói.

Do đó, nếu không có giải pháp đồng bộ thì nguồn lợi thủy hải sản ven bờ sẽ giảm sút, chứ không phải chỉ có nguyên nhân do đánh bắt thủ công, vơ vét ven bờ. Bởi vì chúng ta vẫn đánh bắt hàng mấy trăm năm nay vẫn tồn tại và phát triển được. Hiện nay việc quản lý sử dụng các nguồn sông suối trong lục địa không tốt, không cân đối - theo ông Thắng.

“Ra khơi là lỗ mà nằm lại trong bờ cũng chết. Đành bán đi từng chiếc tàu mà cả đời tích góp có được. Muốn đổi nghề nhưng cái vùng đất Phước Tỉnh này, không làm nghề biển thì chẳng biết làm gì”. Ông Trần Kép

Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 6.200 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 2.700 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên đánh bắt hải sản xa bờ. Từ năm 2010 đến nay, địa phương đã bỏ thu phí đối với tàu ghe của ngư dân.

Báo Tiền Phong, 07/07/2015
Đăng ngày 08/07/2015
Xuân Thủy - Văn Minh
Nông thôn

Bình Định: Sản lượng thủy sản năm 2024 tăng 2,7% (tăng 7.647,7 tấn) so với năm 2023

Trong năm 2024, tỉnh Bình Đinh tiếp tục tăng cường công tác nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại một số địa phương ven biển.

Cá ngừ
• 09:47 20/01/2025

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2025

Ngày 03/01/2025, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhá tôm
• 10:11 10/01/2025

Nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch: Xu hướng bền vững cho năm 2025

Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của các mô hình kết hợp kinh tế và bảo vệ môi trường. Một trong số đó là "nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch" – giải pháp mang lại lợi ích kép.

Mô hình nuôi
• 09:39 02/01/2025

Tình hình sản xuất tôm của các tỉnh miền Tây vào cận dịp tết

Với sự phục hồi của giá tôm nguyên liệu trong những tháng cuối năm 2024, ngành nuôi tôm ở các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đang chuẩn bị một mùa Tết đầy hy vọng.

Tôm thẻ
• 13:45 26/12/2024

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Năm 2025 hứa hẹn là một năm đầy triển vọng đối với ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Với nền tảng vững chắc từ các năm trước và những chiến lược phát triển phù hợp, ngành thủy sản không chỉ duy trì mà còn đẩy mạnh đà tăng trưởng, tạo ra cơ hội lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Xuất khẩu thủy sản
• 04:32 24/01/2025

Mẹo nuôi cá cảnh thành công

Nuôi cá cảnh không chỉ là thú vui của nhiều người, mà còn mang lại không gian sống sinh động, gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, để nuôi một bể cá thành không, chúng ta cần nắm vững một số yếu tố quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu mẹo nuôi cá cảnh trong bài viết dưới đây nhé!.

Cá cảnh
• 04:32 24/01/2025

Top mô hình nuôi cá lóc hiệu quả cao nhất hiện nay

Ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là nghề nuôi cá lóc, đang có những bước tiến vượt bậc nhờ áp dụng các mô hình hiện đại.

Cá lóc
• 04:32 24/01/2025

Tôm cá Cà Mau tưng bừng cận Tết

Càng cận Tết Ất Tỵ, các vùng quê truyền thống tôm cá Cà Mau càng tưng bừng nét cổ truyền đan xen hiện đại từ ruộng đồng thu hoạch đến làng nghề chế biến để đưa sản phẩm đi bốn phương.

Thu hoạch tôm
• 04:32 24/01/2025

Tôm sú hay tôm thẻ: Loại nào ngon hơn cho món lẩu ngày Tết?

Tết Nguyên Đán là dịp lễ gia đình quay quần, cùng nhau chuẩn bị những bàn ăn đậm đà, phong phú.

Lẩu hải sản
• 04:32 24/01/2025
Some text some message..