Tận dụng diện tích mặt nước của lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân ở bản Huổi Pản, xã Mường Khiêng đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng. Bước đầu nghề này đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết bài toán nâng cao thu nhập, xóa đói – giảm nghèo ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Từ nuôi cá lồng, anh Nghiêm và các thành viên trong HTX Huổi Pản đã có cuộc sống khấm khá ở nơi ở mới.
Tìm đến HTX Huổi Pản, chúng tôi nhận được sự đón tiếp nhiệt tình nồng nhiệt của anh Vì Văn Nghiêm – Giám đốc HTX Huổi Pản. Rót ly nước chè mời chúng tôi, anh Nghiêm chia sẻ: Làm nông nghiệp vất vả lắm nhà báo à! Cái quan trọng nhất vẫn là thiếu vốn sản xuất.
Ngược dòng thời gian, anh Nghiêm kể: Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, năm 2005, chúng tôi di dân từ bản Pá Muôn, thị trấn Ít Ong (Mường La – Sơn La) về bản Huổi Pản, xã Mường Khiêng (Thuận Châu – Sơn La). Về nơi ở mới, để đảm bảo sinh kế trước mắt, bà con trồng nương ngô, nương lúa, nương sắn mà diện tích đất sản xuất hạn hẹp do bị nước ngập nên tình trạng thiếu đói, đứt bữa diễn ra thường xuyên.
Để giảm chi phí, ngoài việc phòng trị bệnh cho cá bằng tỏi, muối, các thành viên trong HTX còn tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên như: lá sắn, rau cỏ,lá chuối, bột ngô, vỏ trấu giúp đàn cá cho chất lượng thịt ngon.
Sau hơn chục năm gắn bó với nơi ở mới, đời sống của người dân vẫn gặp muôn vàn khó khăn do đất đai ngày càng bạc màu và thoái hóa, sản lượng bắp ngô, củ sắn ngày càng giảm dần qua từng năm. Để người dân có cuộc sống ổn định và bền vững, tận dụng tiềm năng, lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện, Đảng, Nhà nước đã mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản trên lòng hồ.
Theo anh Nghiêm: Khâu quan trọng trong phát triển nghề nuôi cá lồng là phải chọn được giống tốt. Giống cá của HTX Huổi Pản được các thành viên lấy tại trại giống uy tín ở Hải Dương.
Để có kỹ thuật nuôi thủy sản ở vùng lòng hồ, ngoài các buổi tập huấn, anh Nghiêm cùng với bà con học hỏi thêm kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm thực tế tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nghiêm cho biết: Đa số bà con ở Huổi Pản đều là người trình độ thấp, nếu mạnh ai nấy làm thì người dân ở đây sẽ rất khó thành công. Để hỗ trợ các hộ dân liên kết phát triển sản xuất tập trung, về lâu dài tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngày 30/5/2017, tôi cùng một số hộ dân đã đứng ra thành lập HTX Huổi Pản với 10 thành viên.
Năm 2019, dự kiến sản lượng cá HTX Huổi Pản sẽ thu được trên 20 tấn cá các loại.
Theo anh Nghiêm: Do đều là hộ khó khăn nên ban đầu HTX gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Để có vốn sản xuất, HTX huy động tối đa nguồn lực từ các thành viên. Mọi đồng vốn tích cóp được của các thành viên đều đem đầu tư toàn bộ vào việc làm lồng, mua con giống.
Hiện nay, HTX Huổi Pản có 32 thành viên. Trong đó, 12 thành viên phát triển nghề nuôi cá lồng với 51 lồng, diện tích mặt nước 5.000m2 gồm các loại cá như: rô, trắm, lăng vàng, chép, nheo, rô phi đơn tính, diêu hồng.
Nhờ được chăm sóc tốt, năm 2018, HTX xuất bán được trên 15 tấn cá các loại. Với giá bán bình quân 65.000 đồng, thu được hơn 900 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mỗi thành viên lãi trung bình từ 30 – 40 triệu đồng.
Tiết lộ bí kíp phòng trị bệnh và bảo vệ đàn cá của HTX mùa mưa lũ, anh Nghiêm cho biết: Cá nuôi ở đây thường hay bị bệnh trùng bánh xe và đốm đỏ. Chúng tôi thường dùng vôi gói thành túm đặt cạnh lồng; mỗi lồng dùng 5kg muối hòa tan vào nước rồi kéo nâng lưới lên tắm cho cá.
“HTX Huổi Pản có cách phòng trị bệnh hiệu quả và tốn ít chi phí là dùng tỏi xay nhuyễn rồi trộn với cá Tép Dầu cho đàn cá ăn. Định kỳ, cứ mỗi tháng thì dành một tuần trong tháng trộn tỏi với thức ăn cho cá. Với cách làm này, cá có sức đề kháng cao, ít bị bệnh lại tiết kiệm được chi phí thuốc thang” – anh Nghiêm thật thà chia sẻ.