Ngày 2.4, các lực lượng biên phòng, quân đội, công an, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, UBND TP.Quy Nhơn cùng với lực lượng dân quân, thanh niên và chính quyền địa phương tổ chức trục vớt ghe thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) bị chìm đắm trong đợt mưa gió bất thường vừa qua.
Cả con thuyền chỉ còn dùng được máy nổ
Suốt 3 ngày qua, nhiều ngư dân ở xã Nhơn Lý không cầm được nước mắt bởi tài sản là con thuyền đánh bắt hải sản ven bờ phút chốc bị sóng dữ nhấn chìm. Trắng tay đã đành, phương tiện mưu sinh duy nhất của cả nhà cũng không còn.
Theo người dân xã Nhơn Lý, từ khoảng 8 giờ đến 14 giờ ngày 31.3, gió thổi mạnh, sóng dữ bất thường đánh thẳng vào bãi biển Xuân Lý (thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý). Khu vực này vốn là cảng cá của ngư dân địa phương nên có rất nhiều phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân neo đậu. Vì vậy, có rất nhiều tàu thuyền đánh cá, thúng chai của ngư dân bị sóng nhấn chìm hoặc đẩy mạnh vào bờ vỡ toang.
Bà Trần Thị Xinh (62 tuổi, ở thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý) cho biết gia đình vừa đầu tư tiền để sơn, sửa lại chiếc thuyền đánh bắt có công suất 22 CV nhưng chưa đi đánh bắt chuyến nào đã bị sóng đánh chìm, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
“Trắng tay rồi chớ còn gì nữa! Tôi sống mấy chục năm rồi có bao giờ thấy tháng 3 lại có lốc, có sóng gió trái mùa như vậy đâu. Hôm đó (sáng 31.3 - PV), thấy mưa gió to quá, chúng tôi chạy ra bến cá để kiểm tra tàu thuyền thì ai cũng hoảng hồn. Sóng lớn đánh mạnh, tàu thuyền đang neo đậu bị nhấn chìm hoặc đánh vỡ dần”, bà Xinh khóc.
Bà Xinh bật khóc khi phát hiện chiếc thuyền của gia đình bị sóng đánh chìm. Ảnh: Mỹ Hà
Ông Võ Tấn Sang (62 tuổi, ở thôn Lý Hòa) cũng đứng bên bờ biển hóng tin về chiếc thuyền của con rể là Nguyễn Ngọc Trường (41 tuổi). Theo ông Sang, đợt sóng gió ngày 31.3 quá bất thường, nhiều ngư dân trở tay không kịp. Ghe thuyền bứt neo, cái chìm, cái bị sóng dập, ngư dân đừng trong bờ chỉ dám nhìn chứ không dám ra cứu thuyền.
“Ngư dân chúng tôi chuyên đánh bắt ven bờ, chỉ đi biển vào ban đêm. Nếu sáng đó mà ai còn ở trên thuyền, gặp sóng kiểu đó thì cũng khó giữ được tính mạng. Vợ chồng con gái tôi sắm được chiếc thuyền có mấy tháng nay chớ mấy, hơn 150 triệu đó, làm chưa đủ trả nợ. Giờ không có thuyền thì không còn công ăn chuyện làm gì cả, chẳng biết sắp tới sẽ ra sao? Hai đứa cháu học đại học tại TP.HCM và học lớp 10 tại Quy Nhơn lấy tiền đâu mà nuôi”, ông Sang tâm sự.
Vợ chồng ông Bình rơi nước mắt khi thấy chiếc thuyền của mình bị hư hỏng nặng. Ảnh: Hoàng Trọng
Khi thấy chiếc thuyền của mình được lực lượng trục vớt kéo vào gần đền bờ, vợ chồng ông Phạm Văn Bình (58 tuổi, thôn Lý Hòa) chạy vội xuống biển để kiểm tra. Khi con thuyền bắt đầu lộ ra dần trên mặt nước, hai vợ chồng không cầm được nước mắt.
“Chiếc thuyền đánh bắt của tôi được đóng cách đây hơn chục năm, hết 60 triệu đồng. Mấy năm nay, cả nhà sống được là nhờ nó. Bây giờ chiếc thuyền bị sóng đánh chìm, hư hỏng nặng, ngư lưới cụ trôi hết, trục vớt lên hy vọng còn dùng được máy nổ. Chúng tôi mong nhà nước hỗ trợ cho bà con được vay vốn để đóng lại phương tiện mới”, ông Bình nói.
Con thuyền của ông Bình bị hư hỏng nặng. Ảnh: Hoàng Trọng
Ông Bình hy vọng sẽ còn tận dụng được máy nổ trên chiếc thuyền bị chìm. Ảnh: Hoàng Trọng
Chưa trục vớt xong lại gặp thêm sóng gió
Theo Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, sóng to, gió lớn đã đánh chìm 77 phương tiện đánh bắt của ngư dân ven biển, ước tính gần 4 tỉ đồng. Trong đó, xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) 60 phương tiện, xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn) 3 phương tiện, xã Mỹ Thọ (H.Phù Mỹ) 8 phương tiện, xã Cát Tiến (H.Phù Cát) 6 phương tiện.
Theo đại tá Trần Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, từ trước đến nay, khu vực ven biển tỉnh Bình Định không có xảy ra sóng dữ, gió lớn bất thường gây chìm tàu thuyền vào tháng 3 như trong đợt này. Vì vậy, nhiều ngư dân trở tay không kịp nên bị thiệt hại nặng.
Dùng tàu cá kéo các phương tiện bị chìm vào bờ. Ảnh: Hoàng Trọng
Trong cuộc họp để khắc phục thiên tai vào sáng 1.4, UBND tỉnh Bình Định đã giao Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác và UBND TP.Quy Nhơn, UBND xã Nhơn Lý để trục vớt các phương tiện bị chìm của ngư dân. Ngay chiều 1.4, các đơn vị đã họp để lên phương án cụ thể để trục vớt.
Phương án trục vớt được lực lượng chức năng thực hiện là thợ lặn sẽ lặn xuống biển để khảo sát và cột dây cố định vào các phương tiện bị chìm, kết hợp cùng phao để làm nổi, sau đó sẽ kéo, dìu vào gần bờ. Lực lượng được huy động trên bờ và xe cơ giới sẽ kéo, dìu đưa phương tiện bị đắm kéo lên bờ.
Các lực lượng kéo phương tiện bị chìm của ông Phạm Văn Bình lên bờ.
Phương tiện cơ giới cũng được huy động để kéo tàu thuyền bị chìm lên bờ. Ảnh: Hoàng Trọng
Đến chiều 2.4, lực lượng chức năng tỉnh Bình Định đã đưa lên bờ được 12 phương tiện (8 tàu cá công suất nhỏ và 4 thúng máy).
Tìm phương án hỗ trợ người dân
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến sáng 2.4 đã thống kê được 77 phương tiện đánh bắt của ngư dân ven biển bị chìm; 14.344 ha lúa sắp thu hoạch bị đổ ngã; 778 ha lúa, 2.326 ha hoa màu bị ngập úng. Hiện các địa phương trong tỉnh Bình Định đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại.
Sáng 1.4, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho 50 hộ dân bị thiệt hại ở xã Nhơn Lý, mỗi suất quà gồm 10 kg gạo và 500.000 đồng tiền mặt.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định cứu trợ khẩn cấp cho người dân xã Nhơn Lý. Ảnh: Quỳnh Ngân
Trong sáng 1.4, UBND TP.Quy Nhơn đã trích ngân sách thành phố hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có ghe thuyền bị chìm. UBND tỉnh Bình Định cũng đã quyết định hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/tàu công suất dưới 20 CV, 15 triệu đồng/tàu cho các phương tiện từ 20 - 50 CV bị chìm để bước đầu hỗ trợ ngư dân khắc phục thiệt hại.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các địa phương và các sở, ngành tập trung công tác khắc phục hậu quả và giao Sở NN-PTNT nắm bắt tình hình thiệt hại ở các địa phương để báo cáo Ban Chỉ đạo về phòng chống thiên tai và UBND tỉnh, đề xuất phương án hỗ trợ. Ông Thanh cũng đề nghị UBND xã Nhơn Lý thống kê cụ thể về tình hình thiệt hại của ngư dân địa phương để có phương án hỗ trợ.