Khi môi trường ô nhiễm, khí độc như NH3, NO2, H2S… hình thành, hàm lượng, mức độ ô nhiễm tăng theo tháng nuôi, luôn có xu hướng vượt ngưỡng giới hạn. Khi khí độc vượt ngưỡng, tác động trực tiếp đến sức khoẻ tôm, cá, trong ao, làm khả năng đề kháng dịch bệnh giảm dần. Khi sức khoẻ cá, tôm, suy giảm, mầm bệnh có sẵn trong ao như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… sẽ đồng loạt tấn công. Khi dịch bệnh bùng phát, tôm, cá, giảm hoặc bỏ ăn, tăng trưởng chậm hoặc ngừng tăng trưởng, chết rải rác đến chết hàng loạt.
Sử dụng chế phẩm vi sinh là cần thiết, nhằm chủ động xử lý theo hướng an toàn sinh học, ổn định các thông số môi trường trong suốt vụ nuôi. Việc bà con chọn lựa chế phẩm vi sinh để sử dụng, thường căn cứ vào các tiêu chí liên quan như giá thành, hiệu quả khi sử dụng, tính tiện lợi như cách sử dụng đơn giản, mau đạt mục tiêu sử dụng. Căn cứ vào các tiêu chí trên, chế phẩm vi sinh yếm khí EM rất được bà con ưu tiên chọn lựa.
Thành phần của chế phẩm vi sinh yếm khí EM
Thành phần chính của chế phẩm vi sinh yếm khí EM thông thường gồm vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn acid lactic, nấm men, các men, xạ khuẩn, chất khoáng, chất dinh dưỡng khác,… Trong đó, nhóm vi sinh cải thiện chất lượng môi trường như Nitrosomonas, Nitrobacter, Actinomyces luôn có trong thành phần. Nhóm vi sinh dùng xử lý nước ao, nền đáy ao như Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis... luôn được ưu tiên chọn lựa.
Nhóm vi sinh làm tăng hàm lượng oxy, ổn định pH, phân hủy mùn bã hữu cơ, khử phèn, diệt tảo độc như Thiobacillus. ferroxidans, T. thiooxidan, Bacillus subtilis. Các nhóm vi sinh có lợi tham gia sử dụng, phân hủy các hợp chất hữu cơ như: Bacillus sp., Clostridium sp, Lactobacillus sp, L.acidophillus, Streptococcus sp., Sacharomyces sp… Các loại Enzyme, xúc tác quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Lypase, Amyllase, Chitinnase, phytase… Một thành phần khác, thường có trong chế phẩm vi sinh yếm khí EM là chất dinh dưỡng sinh học, để kích hoạt sinh trưởng ban đầu hệ vi sinh.
Cách ủ chế phẩm vi sinh yếm khí EM
Việc ủ chế phẩm vi sinh yếm khí EM đơn giản, thông dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực hiện, vẫn xảy ra tình trạng ủ không đúng, vi sinh không lên, hoặc vi sinh lên không như mong muốn, thời gian sử dụng ngắn, vi sinh mau hư. Có rất nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng, đến kết quả và chất lượng ủ chế phẩm vi sinh yếm khí. Trước tiên, một trong những nguyên liệu rất quan trọng, quyết định kết quả ủ và chất lượng vi sinh yếm khí EM đó là nguồn nước. Bà con dùng nguồn nước ngọt ủ vi sinh, không dùng nguồn nước lợ hoặc nước biển để ủ.
Nếu nguồn nước ngọt bị nhiễm phèn, khí độc, bà con cần xử lý lắng, lọc, bằng thuốc tím (KMnO4) liều 20 – 25 ppm/m3. Sau đó xử lý nước bằng Chlorin Ca(ClO)2 hoặc TCCA liều 25 – 30 g/m3 nước, sau đó để lắng 3 – 5 ngày, nước trong mới dùng ủ vi sinh. Nguồn vi sinh là nguyên liệu thứ 2, tác động, ảnh hưởng, đến kết quả và chất lượng ủ chế phẩm vi sinh yếm khí EM. Nguồn gốc, nơi sản xuất, thương hiệu vi sinh, đánh giá qua hiệu quả ứng dụng thực tế… Nguồn mật đường là nguyên liệu thứ ba tác động, ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng ủ chế phẩm vi sinh yếm khí.
Tốt nhất bà con nên liên hệ trực tiếp nhà máy sản xuất đường, mua mật đường, nhằm đảm bảo chất lượng mật đường tốt nhất. Không mua mật đường trôi nổi, không rõ nguồn gốc, dễ bị pha tạp. Nguyên liệu thứ tư thường là các chất mồi như cám gạo, bột cá, thức ăn cá, thức ăn tôm, men bánh mì, dịch nước ép hoặc trái khóm gọt vỏ xắt lát mỏng, chất mồi làm sẵn… Tuy nhiên, đơn giản nhất bà con nên chọn trái khóm gọt vỏ, xắt lát mỏng, làm chất mồi, xúc tác, thúc đẩy quá trình lên men, tăng mật độ vi sinh.
Để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, bà con nên tiến hành ủ chế phẩm vi sinh yếm khí EM nuôi tôm, nuôi cá, trong bồn lớn, vật liệu bằng Composite hoặc thùng nhựa. Việc ủ giúp hoàn nguyên bào tử, làm tăng mật số vi khuẩn có lợi, bù đắp số lượng vi sinh sụt giảm, xảy ra trong quá trình bảo quản, lưu hành sản phẩm. Nhằm tăng sinh chế phẩm vi sinh, cần ủ men vi sinh theo phương pháp ủ yếm khí (đậy kín).
Dùng bồn 1.000 m3, đổ vào bồn 800 lít nước sạch đã qua xử lý kỹ, đổ thêm 60 lít mật đường tốt, cho vào bồn thêm 20 kg chế phẩm vi sinh EM, cho thêm 8 – 10 trái khóm gọt vỏ, xắt lát mỏng. Đảo đều hỗn hợp trên từ 10 – 15 phút, dùng nắp đậy kín bồn. Bà con lưu ý, dùng nắp đậy kín, mục đích che mưa, che nắng, tránh mưa, nắng, tác động trực tiếp làm hư chế phẩm vi sinh trong thời gian ủ, đậy sao vẫn đảm bảo chừa khoảng thông thoáng, để không khí lưu thông trong bồn. Trong quá trình ủ chế phẩm vi sinh yếm khí EM, nhiệt độ không khí ảnh hưởng đến quá trình lên men, tăng mật độ vi sinh. Nhiệt độ tốt nhất để ủ chế phẩm vi sinh là 40 -50ºC, do đó, bà con nên đặt bồn, thùng, ngoài trời nắng.
Để đánh giá mức độ phát triển vi sinh tốt, thường sau khi ủ 2 – 3 ngày, tiến hành mở nắp bồn, kiểm tra. Chế phẩm vi sinh ủ đúng, vi sinh phát triển mạnh, tốt, thể hiện cho thấy có nhiều bọt trên bề mặt hỗn hợp ủ, sôi tim lăn tăn khắp bề mặt hỗn hợp ủ. Sau 6 – 7 ngày ủ, tiếp tục kiểm tra, trên bề bặt hỗn hợp hình thành lớp váng vàng nâu, hỗn hợp dậy mùi thơm, chứng tỏ vi sinh trong bồn phát triển đạt cực đại, sẵn sàng mang đi sử dụng cho ao nuôi.
Cách sử dụng chế phẩm vi sinh yếm khí EM
Để tăng hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh yếm khí EM, bà con lưu ý một số vấn đề trong quá trình sử dụng như sau. Bà con dùng ca nhựa sạch, múc riêng vi sinh, sử dụng dần. Nên đánh chế phẩm vi sinh đã qua ủ lúc 9 – 10 giờ sáng, thời điểm này, các yếu tố môi trường ổn định, ít tác động, ít ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả vi sinh. Đây cũng là thời điểm, quá trình quang hợp trong ao diễn ra phù hợp cho hoạt động vi sinh. Liều lượng sử dụng chế phẩm vi sinh thay đổi theo thời gian tháng nuôi, theo mức độ ô nhiễm môi trường, theo mục đích sử dụng, theo đối tượng sử dụng,...
Thường tháng nuôi đầu, lượng chế phẩm vi sinh yếm khí EM sử dụng chung cho nuôi tôm, nuôi cá với lượng 5 – 10 lít/500 m3/ngày. Tháng nuôi thứ hai, đối với nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, lượng chế phẩm vi sinh dùng 15 lít/500 m3/ngày. Riêng đối với đối nuôi cá thâm canh, tháng nuôi thứ hai, thứ ba, dùng 20 – 25 lít/500 m3/ngày. Tháng nuôi thứ ba, đối với nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, lượng chế phẩm vi sinh dùng ≥ 20 - 25 lít/500 m3/ngày. Riêng đối với đối nuôi cá thâm canh, từ tháng nuôi thứ tư trở đi, dùng ≥ 30 lít/500 m3/ngày.
Tuỳ tình trạng môi trường ao nuôi, mức độ ô nhiễm, lượng nước thay… điều chỉnh liều lượng vi sinh sử dụng. Bà con nên sử dụng chế phẩm vi sinh suốt vụ nuôi, chủ động ổn định thông số môi trường, hỗ trợ tôm, cá, phát triển, tăng sức đề kháng, đủ sức khoẻ vượt qua dịch bệnh, vượt qua sốc do nhiều nguyên nhân gây ra.