Sử dụng vôi trong nuôi trồng thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, pH của nước thường xuyên biến động theo chu kỳ ngày đêm, biên độ biến động tăng dần từ đầu cho đến cuối vụ nuôi. Ngoài ra, pH của nước có thể bị thấp do đất phèn, đặc biệt là hiện tượng pH giảm đột ngột sau những cơn mưa đầu mùa. Sự biến động pH quá lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp gây sinh trưởng chậm và tỉ lệ chết cao.

pH quá cao (vào buổi trưa) hay quá thấp (vào sáng sớm) còn có ảnh hưởng gián tiếp làm tăng hàm lượng các khí độc. Khi pH cao sẽ làm tăng hàm lượng NH3, ngược lại pH thấp sẽ làm tăng hàm lượng H2S gây độc cho cá. Do đó, người nuôi cá thường sử dụng vôi để giữ pH ổn định, giúp tôm cá sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống và năng suất cao. Các trường hợp ao nuôi cần được bón vôi gồm:

  • Ao nuôi bị mất cân bằng dinh dưỡng với nhiều chất hữu cơ và mùn ở đáy ao
  • Mất cân bằng dinh dưỡng với nước bị nhiễm phèn
  • Nước ao nuôi bị mềm và độ kiềm thấp
  • Hàm lượng khí CO2 trong nước cao

Loại vôi và hiệu quả trung hòa axít

Các loại vôi thường được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản gồm 4 loại: Vôi nông nghiệp hay đá vôi (CaCO3), dolomite hay đá vôi đen (CaMg(CO3)2), vôi tôi (Ca(OH)2) và vôi sống (CaO). Hiệu quả trung hòa axít tùy thộc vào loại vôi, với cỡ hạt nhỏ hơn 0,25 mm thì hiệu quả tương đối của các loại vôi như sau:

Loại vôi CaCO3 CaMg(CO3)2 Ca(OH)2 CaO
Hiệu quả tương đối (%) 100 109 136 179

Hiệu quả trung hòa axít còn phụ thuộc vào cỡ hạt và tạp chất, cỡ hạt nhỏ hơn 0,25 mm thì hiệu quả trung hòa đạt 100%, cỡ hạt từ 0,25-0,85 mm thì hiệu quả trung hòa đạt 52%, cỡ hạt 0,85-1,7 mm thì hiệu quả trung hòa chỉ đạt 12,6% và cỡ hạt lớn hơn 1,7 mm thì hiệu quả trung hòa chỉ còn 3,6%. Lượng tạp chất càng nhiều thì hiệu quả trung hòa càng thấp. Vì vậy, khi sử dụng vôi nên chú ý lựa chọn loại vôi mịn (cỡ hạt nhỏ hơn 0,25 mm) và ít tạp chất đạt hiệu quả trung hòa cao nhất.

Tác dụng của vôi

pH của nước thấp thường do một trong 3 nguyên nhân sau:

  • Quá trình oxy hóa đất phèn tiềm tàng (FeS2) tạo ra nhiều axít vô cơ (H2SO4), đây là nguyên nhân có thể làm giảm pH rất thấp. Các phản ứng oxy hóa đất phèn gồm:

            2FeS2 + 7O2 + 2H2O = 2FeSO4 + 2H2SO4

            2FeSO4 + ½O2 + H2SO4 = Fe2(SO4)3 + H2O

            FeS2 + 7Fe2(SO4)3 + 8H2O = 15FeSO4 + 8H2SO4

            Fe2(SO4)3 + 6H2O = 2Fe(OH)3 + 3H2SO4   

  • Quá trình phân hủy hữu cơ yếm khí (lên men) sinh ra nhiều axít hữu cơ như: propionic (C3H6O2), butyric (C4H8O2), lactic (C3H6O3), succinic (C4H6O4), acetic (C2H4O2)… các axít này làm giảm pH của nền đáy và nước ao.

 

  • Quá trình phân hủy hữu cơ hiếu khí và hô hấp của thủy sinh vật sinh ra nhiều CO2, trong nước CO2 phản ứng với nước tạo ra H2CO3 cũng làm cho pH giảm.

Khi bón vôi trong trường hợp nước nhiễm phèn và có nhiều axít hữu cơ nhằm giúp trung hòa các axít và làm tăng pH của nước ao. Phương trình phản ứng trung hòa như sau:

            CaCO3 + 2H+ = Ca2+ +H2O + CO2

            CaMg(CO3)2 + 4H+ = Ca2+ + Mg2+ + 2H2O + 2CO2

            Ca(OH)2 + 2H+ = Ca2+ + 2H2O

            CaO + 2H+ = Ca2+ + H2O

Trong trường hợp hàm lượng khí CO2 trong ao cao (>10 mg/L), áp dụng biện pháp bón vôi có thể làm giảm hàm lượng CO2, tăng hệ  đệm và tăng nguồn carbon cho quá trình quang hợp. Trong trường hợp này nên bón vôi vào lúc 22:00-24:00 giờ vì lúc này hàm lượng CO2 bắt đầu tăng cao, bón vôi vào ban đêm có thể tránh tình trạng CO2 cao vào lúc sáng sớm và có thể làm tăng ion hệ đệm HCO3-. Mỗi phân tử vôi tham gia phản ứng với CO2 tạo ra 2 ion HCO3-, ion này có vai trò quan trọng trong việc chống lại sự thay đổi pH của nước. Phương trình phản ứng khử CO2 gồm: 

            CaCO3 + CO2 + H2O = Ca2+ + 2HCO-3       

           CaMg(CO3)2 + 2CO2 + 2H2O = Ca2+ + Mg2+ + 4HCO3-

            Ca(OH)2 + 2CO2 = Ca2+ + 2HCO-3

            CaO + 2CO2 + H2O = Ca2+ + 2HCO-3

Ngoài ra, bón vôi cho ao nuôi tôm cá có thể làm giảm độ đục do phù sa (hạt keo đất), các ion Ca2+ và Mg2+ sẽ bị hấp thụ trên bề mặt hạt keo đất làm cho kích thước và khối lượng hạt keo sẽ nặng hơn và lắng nhanh hơn. Ion Ca2+ và Mg2+ cũng có vai trò kết hợp với PO43- tạo thành Ca3(PO4)2 và Mg3(PO4)2 gây kết tủa lân xuống đáy ao, là giảm sự phát triển của tảo trong ao.

Xác định liều lượng vôi

Bón vôi khi cải tạo ao:

Để xác định chính xác liều lượng vôi cần bón cho từng trường hợp của đáy ao có thể áp dụng phương pháp thử với dung dịch đệm p-Nitrophenol pH=8 (hòa tan 10 g p-nitrophenol, 7,5 g H3BO3, 37 g KCl và 5,25 g KOH trong nước cất rồi pha thành 1 lít). Cho 20 g bùn khô đã được nghiền mịn vào 40 mL dung dịch đệm p-nitrophenol, khuấy đều vài lần trong một giờ, sau đó đo pH của dung dịch (pHdd) và xác định lượng vôi cần bón theo công thức sau:

            Lượng vôi cần bón (kg CaCO3/ha) = (8,0 – pHdd) x 6000

Lượngvôi cần bón cho đáy ao cũng có thể được ước lượng dựa vào cấu trúc và pH của đất đáy ao, áp dụng bảng số sau đây để tính liều lượng vôi cần bón cho nền đáy khi cải tạo ao nuôi.

 

pH của bùn

Lượng vôi cần bón (kg CaCO3/ha) (Boyd, 1990)

Đất thịt hoặc đất sét

Đất thịt pha cát

Đất cát

< 4,0

14320

7160

4475

4,0-4,5

10740

5370

4475

4,6-5,0

8950

4475

3580

5,1-5,5

5370

3580

1790

5,6-6,0

3580

1790

895

6,1-6,5

1790

1790

0

>6,5

0

0

0

Bón vôi để tăng độ kiềm và khử CO2:

Việc xác định liều lượng vôi cần bón cho nước ao thường được dựa vào tổng độ kiềm (total alkalinity) hoặc tổng độ cứng (total hardness). Tổng độ kiềm thích hợp là lớn hơn 40 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước ngọt và lớn hơn 80 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Giả định rằng, ao nuôi nước ngọt có diện tích 1000 m2, sâu 1m và có độ kiềm là 10 mg/L, để tăng độ kiềm lên 40 mg/L thì cần bón 30 mg CaCO3/L hay 30 g CaCO3/m3, tổng lượng vôi cần bón cho ao là 30 kg CaCO3. Tuy nhiên, theo cách tính liều lượng vôi cần bón như trên thì độ kiềm của nước ao sau khi bón vôi có thể không đạt được 40 mg CaCO3/L như mong muốn, nguyên nhân là do một phần vôi bị mất đi khi tham gia phản ứng trung hòa axít trong bùn. Do đó, sau khi bón vôi 2-3 tuần cần kiểm tra lại độ kiềm của nước, nếu độ kiềm chưa đạt 40 mg CaCO3/L thì cần bón vôi bổ sung với liều lượng được xác định theo phương pháp đã nêu trên.

Trường hợp xác định liều lượng vôi để khử CO2 cần phải dựa vào hàm lượng CO2 trong nước. Hàm lượng CO2 thích hợp cho ao nuôi thủy sản khoảng 1-10 mg/L, khi hàm lượng CO2 vượt quá 10 mg/L có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá, trường hợp này cần phải khử CO2. Theo lý thuyết, để khử 1 mg CO2/L, cần dùng 0,64 mg CaO/L, 0,84 mg Ca(OH)2/L, 2,1 mg CaMg(CO3)2/L hoặc 2,27 mg CaCO3/L. Giả định, ao nuôi có diện tích 1000 m2, sâu 1 m và có hàm lượng CO2 là 15 mg/L, để làm giảm CO2 xuống 5 mg/L cần dùng 22,7 mg CaCO3/L hay 22,7 g/m3 và tổng lượng vôi cần dùng cho cả ao là 22,7 kg. Chú ý, khi sử dụng các loại vôi để khử CO2 cần tính liều lượng chính xác, nếu sử dụng thừa vôi có thể làm cho hàm lượng CO2 giảm xuống bằng 0, khi đó pH sẽ tăng cao (>8,34) gây ảnh hưởng xâu cho tôm cá nuôi.

UV Việt Nam
Đăng ngày 22/02/2012
PGs. Ts. Trương Quốc Phú
Kỹ thuật

Giải thích cơ chế cắt tảo ao nuôi bằng vi sinh

Trong quá trình nuôi tôm, sự xuất hiện và phát triển quá mức của các loại tảo độc như tảo lam, tảo giáp hay tảo mắt,… luôn là một thách thức lớn đối với người dân.

Ao nuôi
• 11:44 28/11/2024

Bản chất pH ao nuôi tôm và cách xử lý

Các kỹ sư thường tư vấn bà con việc kiểm tra pH đều đặn ngày 2 lần. Tuy nhiên nếu kiểm soát được môi trường tốt, nuôi được tảo có lợi chiếm ưu thế thì pH ao tôm sẽ được ổn định và hạn chế dao động. Việc hiểu bản chất sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan và điều chỉnh pH theo ý muốn của mình được dễ dàng.

pH ao nuôi tôm
• 10:04 27/11/2024

Dấu hiệu tôm bệnh thể hiện ở ruột và gan

Trong quá trình nuôi tôm, bệnh tật là một trong những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của tôm. Một trong những dấu hiệu rõ rệt để nhận biết tôm có bệnh là sự thay đổi bất thường ở gan và ruột. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu này giúp người nuôi có thể can thiệp kịp thời, từ đó giảm thiểu thiệt hại và duy trì sự phát triển khỏe mạnh cho tôm.

Gan tôm
• 09:53 27/11/2024

Phân biệt bệnh đốm trắng trên tôm do vi khuẩn và virus

Bệnh đốm trắng trên tôm là một trong những bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất đối với ngành nuôi tôm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sản lượng. Đây là bệnh có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây ra, trong đó nổi bật là các loại vi khuẩn và virus. Dù cả hai loại tác nhân này đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau, nhưng nguyên nhân, cách thức lây lan, cũng như phương pháp điều trị và phòng ngừa lại hoàn toàn khác biệt

Tôm thẻ chân trắng
• 11:03 22/11/2024

Giải thích cơ chế cắt tảo ao nuôi bằng vi sinh

Trong quá trình nuôi tôm, sự xuất hiện và phát triển quá mức của các loại tảo độc như tảo lam, tảo giáp hay tảo mắt,… luôn là một thách thức lớn đối với người dân.

Ao nuôi
• 02:13 29/11/2024

Tôm sinh thái của Việt Nam: Mở khóa tiềm năng tại thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ

Khi người tiêu dùng ở châu Âu và Hoa Kỳ ngày càng coi trọng sức khỏe và các mối quan tâm về môi trường, tôm sinh thái đang nổi lên như một lựa chọn bền vững trong ngành thủy sản.

Tôm sú
• 02:13 29/11/2024

Từ loài cá gây sợ hãi đến món ăn sánh ngang với tôm hùm

Trước đây, cá thầy tu là một trong những loài cá được cho là sở hữu ngoại hình lập dị nhất thế giới đại dương và thậm chí còn từng bị nước Pháp cấm săn bắt và buôn bán vì nó mang lại nỗi khiếp sợ cho khách hàng.

Món cá
• 02:13 29/11/2024

Giải quyết vấn đề nấm đồng tiền trong ao nuôi tôm

Nấm đồng tiền trong ao nuôi tôm là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà người nuôi tôm phải đối mặt. Loại nấm này gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của tôm, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, thậm chí dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế.

Nấm đồng tiền
• 02:13 29/11/2024

Xử lý cá cảnh bị nấm: Hướng dẫn chi tiết và hiệu quả

Nấm là một trong những vấn đề thường gặp ở cá cảnh, đặc biệt là khi môi trường sống của chúng không được duy trì đúng cách. Nấm có thể xuất hiện dưới dạng các vết loét trắng trên da, vây hoặc mang cá, khiến cá bị suy yếu và dễ mắc các bệnh khác.

Bệnh nấm cá
• 02:13 29/11/2024
Some text some message..