Ngày nay, các sản phẩm thủy hải sản ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm như một nguồn cung cấp protein, vitamin, khoáng chất và các axit béo không bão hòa (omega 3,6) tốt cho sức khỏe dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, điều kiện canh tác, chẳng hạn như mật độ nuôi cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước và sức khỏe vật nuôi, dẫn đến giảm khả năng miễn dịch và tăng tính nhạy cảm với bệnh tật. Chiết xuất thảo dược là một trong những chất bổ sung quan trọng có thể được thêm vào thức ăn nuôi trồng thủy sản như là lựa chọn thay thế cho thuốc kháng sinh và các loại thuốc hóa học khác giúp cải thiện tăng trưởng, tăng cường hệ thống miễn dịch, chống oxy hóa và nâng cao khả năng chống chịu các bệnh truyền nhiễm.
Kinh giới (Origanum vulgare) thuộc họ Lamiaceae được đặc trưng bởi hàm lượng cao tinh dầu oregano hoạt động như một chất kích thích miễn dịch tự nhiên thiết yếu. Thông thường, lá kinh giới là một loại gia vị được sử dụng trong chế biến để làm tăng hương vị cho các món ăn đồng thời cũng là một loại thảo mộc có tác dụng chữa một số bệnh. Trong lá kinh giới có chứa dầu, chất carvacloro, protein, chất béo, khoáng chất (sắt, canxi, magiê, kẽm, natri, kali) và vitamin (carbohydrates, thiamine).
Tía tô đất (Melissa officinalis) chứa một số hoạt chất bao gồm flavonoid và tinh dầu hoạt động như chất chống oxy hóa và chống vi khuẩn. Tía tô đất không chỉ tăng cường tốc độ tăng trưởng, chống oxy hóa và phản ứng miễn dịch ở cá hồi vân (Bilen và cộng sự., 2020; Jafarpour and Fard, 2016a; Jafarpour và cộng sự, 2016b) mà còn làm giảm tỷ lệ chết của cá chép (C. carpio) ở giai đoạn đầu của nhiễm vi-rút KHV (Haselmeyer và cộng sự, 2018).
Tía tô đất (Melissa officinalis).
Cá rô phi giống được vận chuyển về phòng thí nghiệm thích nghi trong vòng 2 tuần. Sau thời gian thích nghi và sàng lọc bệnh, cá giống khỏe được bố trí ngẫu nhiên vào bể và tiến hành cho ăn theo công thức có bổ sung thảo dược (lá tía tô và kinh giới ) lần lượt ở các nồng độ 0.2%, 0.5 % và nghiệm thức đối chứng (không bổ sung thảo dược) trong vòng 60 ngày. Vào cuối thí nghiệm, cá rô phi ở mỗi bể được tiêm 0,1 mL dung dịch vi khuẩn A. hydrophila ( với mật độ 1x108 tế bào / mL), tỷ lệ chết được ghi nhận trong 7 ngày.
Kết thúc thí nghiệm, việc thu mẫu được tiến hành để đánh giá hiệu suất tăng trưởng, thành phần enzym tiêu hóa đường ruột, các chỉ số huyết học (định lượng số lượng bạch cầu (WBCs) và hồng cầu (RBCs), hàm lượng hemoglobin (Hb), Glucose huyết thanh (GLU), tổng protein (TP), lactate dehydrogenase (LDH) - kiểm tra sự tổn thương của tế bào trong cơ thể và alkaline phosphatase (ALP) – kiểm tra sự tổn thương gan)..
Kết quả phân tích cho thấy cá rô phi giống ở những nghiệm thức với chế độ ăn bổ sung tía tô và kinh giới ở nồng độ 0.5% có tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng cường hoạt tính của các enzyme đường ruột, trọng lượng cá tăng đáng kể, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) được cải thiện. Enzyme tiêu hóa đường ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân giải protein, lipid và carbohydrate, do đó hỗ trợ quá trình đồng hóa hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Thêm vào đó, nội độc tố được giải phóng bởi tế bào vi khuẩn gram âm từ thành tế bào của chúng và chỉ được giải phóng sau khi ly giải tế bào, là một chất cảm ứng mạnh của hệ thống miễn dịch có thể gây ra stress oxy hóa và ngăn chặn các phản ứng miễn dịch.
Kinh giới (Origanum vulgare).
Đường tiêu hóa được biết đến như là “cổng thông tin chính” cho nội độc tố xâm nhập vào cơ thể. Do đó, sức khỏe và chức năng đường ruột được cải thiện giúp làm giảm quần thể vi khuẩn gây bệnh đồng thời cũng đáp ứng miễn dịch nâng cao có thể làm giảm sự vận chuyển nội độc tố của vi khuẩn vào hệ tuần hoàn và giảm tác dụng sinh học của chúng đối với loài nuôi.
Thông qua các chỉ số huyết học, cho thấy số lượng hồng cầu, bạch cầu cũng như hàm lượng hemoglobin tăng lên rõ rệt. Ở cá, chất nhầy trên da được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên và liên tục với một lớp chất nhầy chứa những chất miễn dịch bao phủ tất cả các khe hở trên cơ thể cá chống lại mầm bệnh xâm nhập và là rào cản vững chắc giữa cá và môi trường xung quanh. Việc bổ sung tía tô và kinh giới cho thấy cải thiện rõ rệt hoạt động kháng khuẩn trong chất nhầy. Bên cạnh đó, tỷ lệ sống của cá rô phi sau khi thực hiện cảm nhiễm với vi khuẩn A. hydrophila tăng từ 40% ( đối chứng ) lên đến gần 70% ( bổ sung tía tô và kinh giới 0.5%) trong khi nồng độ vi khuẩn A. hydrophila 106-108 tế bào / mL trong các nghiên cứu được báo cáo trước đây đủ để giết chết hơn phân nửa số cá rô phi được thử nghiệm (El-Boshy et al., 2010; Mohammadi et al., 2020c; Tellez-Banuelos ˜ et al., 2010).
Nghiên cứu hiện tại cung cấp một triển vọng mới về việc sử dụng chiết xuất lá tía tô đất (Melissa officinalis) và kinh giới (Origanum vulgare) như một chất bổ trợ không có hại cho cá rô phi giống để tăng cường sự phát triển, kích thích khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, cải thiện các chỉ số chống oxy hóa và nâng cao phản ứng miễn dịch.