Đôi nét về ốc đinh
Ốc đinh hay còn được gọi là ốc hút, đây là loài nhuyễn thể có vỏ hình xoắn ốc, kích thước nhỏ, từ 1 – 2 cm. Chúng thường sinh sống ở các ven bờ vùng nước mặn hoặc nước lợ.
Ốc đinh nổi tiếng với hương vị thơm ngon, béo ngậy vừa phải mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Bởi thịt ốc chứa hàm lượng vitamin A, B, B1, B2, PP, protein, kali, magie, sắt, calcium… cao. Bên cạnh đó, ruột ốc có những thành phần vô cùng đặc biệt giúp hạn chế lượng mỡ thừa trong cơ thể. Từ đó giảm bớt nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau như: béo phì, thừa cân, tăng khả năng hoạt động của hệ tuần hoàn máu.
Tuy nhiên đối với nghề nuôi tôm, ốc đinh được xem là đối tượng khá phiền phức vì chúng sinh sản và phát triển mạnh nhất trong mùa mưa, xuất hiện nhiều tại các vuông nuôi tôm thẻ, tôm sú và đặc biệt nhiều tại những ao nuôi có mực nước thấp, hay những ao không được cải tạo kỹ trước khi nuôi.
Vì sao phải diệt?
Khi ở mật độ thấp, ốc đinh ít gây ảnh hưởng cho tôm, chúng còn là thức ăn mà tôm thích ăn. Tuy nhiên, khi mật độ ốc đinh trong ao tăng cao chúng sẽ gây ra một số vấn đề như: Cạnh tranh thức ăn với tôm dẫn đến tình trạng lượng thức ăn giảm khiến tôm chậm lớn.
Hay hấp thụ một lượng khoáng và kiềm trong ao nuôi để tạo vỏ, gây ảnh hưởng đến độ kiềm, độ pH trong nước ao dẫn đến hiện tượng mềm vỏ ở tôm, sức đề kháng bị giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh trên tôm.
Ốc đinh là vật chủ chứa nhiều mầm bệnh gây hại cho tôm như EHP, hoại tử gan tụy EMS, nếu tôm ăn nhiều có nguy cơ lớn mắc phải các bệnh trên. Do đó, bà con cần tiến hành phòng ngừa và thực hiện các cách diệt ốc đinh trong vuông tôm ngay sau khi thấy sự hiện diện của chúng.
Bà con nên tiến hành thực hiện các biện pháp phòng và diệt ngay khi thấy ốc đinh xuất hiện nhiều trong ao nuôi. Ảnh: nongnghiep.vn
Biện pháp xử lí
Ở giai đoạn chuẩn bị ao: Bước cải tạo ao nuôi cần được chú trọng, sử dụng vôi đá CaO loại bột nghiền với liều lượng 200 – 300 kg/ha bón quanh ao, nhất là những nơi có nhiều ốc và bùn đen. Ao cần được sên vét đáy một cách kỹ lưỡng.
Cấp nước vào ao lắng qua lưới lọc được làm từ vải cotton may hai lớp (chiều dài từ 8 – 10 m, đường kính 0.6m) để đảm bảo giữ được các loại ốc, giáp xác,…có trong nước. Nước vào ao lắng cần được ngâm trong 5 – 7 ngày để ấu trùng nở hết sau đó sử dụng hóa chất xử lý nước ao tôm để diệt ấu trùng. Sau đó, đưa nước vào ao sẵn sàng và diệt khuẩn tại đây. Đợi cho nước hết chất diệt khuẩn thì mới tiến hành cấp nước vào ao nuôi qua lưới lọc.
Sau khi cấp nước vào ao nhưng vẫn còn ốc đinh thì tiến hành xả nước, xử lý tại ao bằng cách sử dụng thuốc diệt ốc đinh saponin (hoặc đồng sunfat) diệt ốc đinh và làm lại các quy trình cấp nước vào ao.
Ở giai đoạn nuôi tôm: Khi phát hiện trong ao có ốc đinh, bà con không nên sử dụng hóa chất để diệt do hóa chất sẽ ảnh hưởng tới tôm. Ngoài ra, khi ốc đinh chết, xác của chúng sẽ gây ô nhiễm nước và gây hại cho tôm nếu chúng ăn vào. Bà con nên thực hiện các biện pháp thủ công giúp giảm lượng ốc đinh trong ao nuôi tôm như sau:
Quan sát, theo dõi tập tính của ốc đinh xem thời gian chúng hoạt động nhiều nhất vào lúc nào. Sau đó tiến hành thả mồi nhử cho chính lên vờ và sử dụng cào sò để bắt chúng lại. Lưu ý không cào phần đáy ao vì như vậy sẽ làm các chất thải dưới đáy hòa tan trong nước gây hại cho tôm.
Bà con cũng có thể sử dụng các công cụ như vó, nhá cho thức ăn vào trong để dụ ốc bám vào trong nhá rồi vớt lớn. Cách diệt ốc đinh trong vuông tôm này cần được thực hiện dần dần để đảm bảo an toàn cho tôm nuôi.
Ngoài ra, bà con có thể diệt ốc đinh trong ao nuôi tôm bằng các tấm nan tre đặt xung quanh ao. Ốc đinh có đặc tính là thích bám vào giá thể như nan, tre vì thế chúng ta có thể loại bỏ chúng một cách dễ dàng, thực hiện hàng tuần dần dần sẽ hết. Cách này tương đối hiệu quả trong các ao nuôi tôm.