Bắt đầu từ khâu nuôi
Theo các chuyên gia kinh tế, tái cấu trúc sản phẩm và chất lượng sản phẩm cá tra được thực hiện không nằm ngoài mục tiêu đa dạng hóa cơ cấu chủng loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT), các sản phẩm cho nhu cầu ăn liền và các sản phẩm hướng đến các phân khúc thị trường dinh dưỡng, sức khỏe, đồng thời, xây dựng tiêu chí về chất lượng và thực hiện quản trị chất lượng sản phẩm theo chuỗi từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, tái cấu trúc sản phẩm và chất lượng sản phẩm cá tra cần được bắt đầu từ khâu nuôi trong chuỗi ngành hàng. “Nuôi cá tra là khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm được quyết định ngay từ khâu này và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm ở những công đoạn còn lại. Chính vì thế, nếu chất lượng nguồn nguyên liệu được đảm bảo và kiểm soát thì chắc chắn chất lượng sản phẩm cuối cùng sẽ tốt hơn và quá trình kiểm soát ở những khâu sau cũng dễ dàng hơn”- ông Dũng nhấn mạnh.
Đại diện phía DN chế biến, bà Trương Thị Lệ Khanh – TGĐ Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng cho rằng quá trình tái cấu trúc ngành cá tra nói chung cũng như tái cấu trúc về sản phẩm và chất lượng sản phẩm nói riêng phải bắt đầu từ khu vực nuôi trong đó tập trung vào khâu cải thiện chất lượng con giống đồng thời làm tốt hơn nữa công tác qui hoạch ở khâu nuôi thương phẩm.
“Việt Nam là nước sản xuất cá tra hàng đầu trên thế giới thế nhưng công tác về con giống thì còn rất nhiều hạn chế và nhiều lỗ hổng về công tác nghiên cứu tỷ lệ sống, sức đề kháng cũng như hệ số thức ăn (FCR)…. Tôi có cảm giác là các quốc gia láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Myanmar, Inđônêxia…làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Tái cấu trúc ngành cá tra phải bắt đầu từ khâu nuôi trồng, mà cụ thể là cải thiện chất lượng con giống, từ đó vực dậy các chuỗi mắt xích còn lại phía sau” – bà Khanh nhận định.
Bên cạnh vấn đề con giống, ở khâu nuôi, ông Ngô Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Biển Đông cũng đề nghị Chính phủ cần phải kiểm soát giá thức ăn vì theo ông trong thời gian dài vừa qua, giá thức ăn thủy sản liên tục tăng, bất chấp giá nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm. Trong khi đó, thức ăn chiếm 80% giá thành sản phẩm cá tra,, vì thế tình trạng này gây rất nhiều thiệt thòi cho người nuôi.
Khu vực nuôi có khả năng thu được lợi nhuận cao khi có tình trạng thiếu hụt, nhưng đồng thời cũng gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng khi xuất hiện tình trạng cung vượt cầu. Chính vì thế, ở khâu nuôi, công tác qui hoạch và thực hiện qui hoạch là một trong những nội dung vô cùng quan trọng. Thế nhưng khu vực nuôi thường không tiếp cận được thông tin về thị trường, khách hàng trong định hướng hoạt động nuôi cá tra của các hộ dân. Bên cạnh đó, khu vực nuôi lại bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường biến động và khả năng phục hồi của khu vực này rất kém vì thiếu thông tin và vốn đầu tư, ít được quan tâm, hỗ trợ công nghệ. Chính vì thế, khu vực nuôi cần phải được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt.
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, khu vực nuôi có nhiều sự thay đổi. Hoạt động nuôi không hiệu quả, khiến nhiều hộ nuôi cá chuyển sang hình thức hợp tác với các công ty và trang trại. Giữa khu vực nuôi với nhà máy chế biến và các đơn vị cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào hình thành mối liên kết thông qua các hợp đồng gia công, hợp đồng liên kết….Dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng chính mối liên kết này đã phần nào đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, chia sẻ và hài hòa lợi ích giữa DN, người nuôi mà trong quá trình tái cấu trúc ngành cần phải được nghiên cứu áp dụng.
Sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường
Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn đối với DN. Ở phạm vi nhà máy chế biến, tái cấu trúc sản phẩm và chất lượng sản phẩm cần tập trung vào việc định vị lại sản phẩm và xác định phân khúc thị trường phù hợp với sản phẩm của DN, rà soát cấu trúc và mô hình quản lý của công ty ở các cấp chiến lược, cấp quản lý trung gian cũng như chiến lược tiếp thị và cạnh tranh của DN theo phân khúc thị trường. Xác định chiến lược mới của DN trong bối cảnh cấu trúc thị trường thay đổi và sự liên minh của các nhóm nhà máy với các thị trường.
Gần đây, Nghị định 36 của Chính phủ đi vào thực thi mặc dù còn cần có nhiều bổ sung và sửa đổi, nhưng phần nào đã sắp xếp lại quá trình sản xuất, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam. Theo phản ánh của DN, muốn tồn tại, DN bắt buộc phải không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, những hoạt động này đều phải dựa trên qui luật cung – cầu và sản xuất phải theo yêu cầu của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Ký, TGĐ Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) và ông Ngô Quang Trường, TGĐ Công ty Thủy sản Biển Đông, với mức quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm theo Nghị định 36 thì mức độ chấp nhận của thị trường NK là rất thấp. Để đảm bảo độ ẩm 83% giá thành sản xuất sẽ bị đội lên cao, trung bình giá XK 1 kg cá khoảng 2,3 USD nay sẽ tăng lên gần 4 USD, do đó đến thị trường khó chấp nhận, DN sẽ không thể tồn tại.
“Cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm là điều phải làm và DN nào cũng mong muốn làm. Tuy nhiên, sản xuất là phải theo nhu cầu của thị trường, sản phẩm phải bán chạy và được người tiêu dùng chấp nhận. Việc thực hiện Nghị định 36 là cần thiết nhưng phải có lộ trình và phải được áp dụng linh hoạt, chẳng hạn thị trường Mỹ, châu Âu đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao thì có thể từng bước áp dụng tỉ lệ mạ băng và hàm ẩm như quy định của Nghị định 36, còn đối với những thị trường khác thì tùy thuộc vào tình hình mà ứng phó phù hợp,” ông Trường đề nghị.