Tận diệt thủy sản

Mặc dù đã bị nghiêm cấm sử dụng do mức độ nguy hiểm chết người cũng như tận diệt nguồn thủy sinh của công cụ tự chế kích điện (còn gọi là xung điện), nhưng thời gian gần đây người dân ở các tỉnh Nam bộ vẫn vô tư sử dụng đánh bắt tôm cá, hải sản. Đã có hàng chục cái chết thương tâm xảy ra nhưng vì thiếu hiểu biết, chủ quan hay vì miếng cơm manh áo hàng ngày, nhiều người vẫn vác “tử thần” trên lưng hành nghề, bất chấp cái chết cận kề.

tận diệt thủy sản
Dùng cào xung điện tận diệt nguồn thủy sản trên sông Vàm Cỏ Đông (Bến Lức, Long An)

TẬN DIỆT THỦY SẢN

Giữa trưa, cái nắng chói chang hắt vào mặt nhưng anh Nguyễn Văn Trọng (27 tuổi, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai) vẫn mang bình kích điện ra sông Đồng Nai đánh bắt cá. Dụng cụ của anh Trọng rất đơn giản, đó là một bình ắc quy khoảng 12v với bộ phận kích điện lên từ 220v; hai cái cần tre dài 2 - 3m, một cần có đầu là que thép nhọn nối với cực dương gắn công tắc, cần còn lại gắn với vợt sắt nối cực âm. Khi chọc hai cần xuống nước, bật công tắc sẽ xảy ra hiện tượng xung điện, những động vật nằm trong bán kính 3m sẽ bị điện giật chết hoặc gây thương tổn vĩnh viễn.

Mới đi dọc dòng sông chừng 30 phút, anh Trọng đã bắt được hơn ký cá với nhiều loại khác nhau. Những con cá bị giật chết nằm phơi trắng bụng trong giỏ, một vài con ngáp ngáp giãy chết. Khi hỏi đi kích điện thế này không sợ người ta phạt à? Anh Trọng mỉm cười thật thà: “Mình đi kích giữa trưa thì họ thấy đâu mà phạt. Tranh thủ kiếm ít cá về bán chứ mùa màng thất bát, lấy tiền đâu ra chi tiêu”. Dò hỏi đã có ai trong vùng này đi kích cá bị điện giật chưa, giọng anh Trọng chùng xuống: “Nghề này bị điện giật là chuyện thường, có khi ngất đi không ai biết. Tháng trước có hai người trong xóm đi kích cá bị điện giật chết ngoài sông”. Giữa trưa này, không chỉ mình anh Trọng đi kích cá mà cả một đoạn chừng vài cây số của con sông, chúng tôi thấy có ba bốn chiếc ghe đang rà sát bờ dùng kích điện bắt cá. Bà Nguyễn Thị Năm (58 tuổi, ngụ Đồng Nai) bức xúc: “Ngày trước cá trên dòng sông này nhiều lắm, mùa nước lũ cá còn nhảy cả lên bờ, có con nặng đến chục ký. Nhưng giờ họ dùng xung điện đánh bắt nên cá to, cá nhỏ đều bị tận diệt. Bên cạnh đó nạn hút cát gây xói lở cũng khiến cá tôm không còn nơi đẻ trứng, sinh sản. Họ đánh bắt ngang nhiên là thế nhưng không thấy ai đến nhắc nhở, xử phạt”.

Dọc theo sông Sài Gòn, đoạn chảy qua các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) hàng ngày vẫn có một số người dân đi chích cá. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, họ đi chích vào giữa trưa hoặc chập tối. Do sự sát thương quá lớn của dụng cụ đánh bắt này nên chỉ trong vòng vài giờ dọc bờ sông, họ đã đánh được cả chục ký cá lóc, trê, chép, rô phi... Trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chạy qua cầu Bến Lức thuộc huyện Bến Lức (Long An) cứ sáng sớm hoặc giữa trưa, có nhiều đối tượng ngồi trên ghe thuyền đi dọc bờ sông chích cá. Mặc dù ngày nào cũng ngang nhiên chích cá hoặc dùng xung điện đánh bắt làm huyên náo cả một đoạn sông nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Bà Lê Thị Tư ở thị trấn Bến Lức cho hay: “Họ nổ ghe thuyền ầm ầm, quần qua đảo lại suốt ngày đêm nên cá ở sông Vàm Cỏ Đông gần như không kịp sinh sản. Đánh bắt kiểu này khác gì tận diệt, chắc chắn vài ba năm nữa thủy sản trên dòng sông này sẽ không còn một con. Họ làm ngang nhiên giữa ban ngày là thế nhưng chẳng thấy ai đến kiểm tra, xử phạt gì cả”.

Ông Hồ Văn Quyền - một chuyên gia về ngành thủy sản - cho biết: “Người sử dụng xung điện không biết rằng khi đánh bắt bằng công cụ này, toàn bộ thủy sản trong khu vực đều bị chết hoặc tổn thương vĩnh viễn, không thể phát triển hay sinh sản bình thường như trước. Đánh bắt bằng dụng cụ chích điện cầm tay là một trong những cách tận diệt nhanh chóng nguồn thủy sinh hiện nay, đẩy một số loài cá quý hiếm vào bờ vực tuyệt chủng”. 

NHỮNG CÁI CHẾT ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

Những năm trở lại đây, có rất nhiều vụ người dân ở các tỉnh Nam bộ đi kích cá bị điện giật chết, một số thương tật vĩnh viễn không còn khả năng lao động. Anh Hồ Văn Cự (35 tuổi, ngụ Bình Phước) không khỏi bàng hoàng mỗi lần nhắc đến vụ tai nạn cách đây chưa đầy một tháng. “Hôm đó nhà tui có việc nên bạn bè, anh em đến chơi rất đông. Trong lúc đang nhậu lai rai với bạn thì hết mồi. Thấy cái ao bên nhà cạn gần hết nước, cá lại nhiều nên mấy anh em kéo dây điện ra đấu nối làm cần kích cá. Tuy nhiên do ngà ngà hơi men nên để chập điện. Hậu quả tôi và một người bị giật cháy sém cả bàn tay, phải đi cấp cứu, toàn bộ đồ điện bốc cháy thiêu rụi cả căn nhà. Thấy người ta kích điện nên mình cũng tập tành làm theo nhưng không ngờ nó lại nguy hiểm đến thế. Hôm đó nếu không may mắn thì bị điện giật chết rồi. Từ nay chắc chắn tui không dám giỡn mặt với tử thần nữa” - anh Cự kể. 

Một người dân sử dụng kích điện bắt cá ở chân cầu vượt Cát Lái (Q2, TP.Hồ Chí Minh)
Một người dân sử dụng kích điện bắt cá ở chân cầu vượt Cát Lái (Q2, TP.Hồ Chí Minh) 

Cách đây không lâu, ông Nguyễn Văn Cang (58 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) sử dụng bình ắc quy đi chích cá trên ao, rạch gần nhà. Đã hết ngày mà không thấy ông về nên cả nhà tỏa ra tìm kiếm. Khi phát hiện được thì thi thể ông Cang đã chết nổi trên mặt nước, trên người còn đeo dụng cụ chích cá. Qua khám nghiệm, CQĐT Công an Q.Thủ Đức cho biết do bất cẩn nên trong lúc chích cá, ông Cang đã để dòng điện chạm vào người và bị giật chết. Ngày 17-3, anh Trần Văn N. (29 tuổi, quê Bình Định) mang dụng cụ tự chế với nguồn điện 220v ra gần cầu Bình Triệu (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) để chích cá. Do chủ quan nên anh bị điện giật bất tỉnh ngã nhào xuống sông. Lúc người dân phát hiện đưa đi cấp cứu thì anh N. đã tử vong từ lâu. Trước đó, anh Lê Anh Tuấn (38 tuổi, trú Bình Dương) đem bình ắc quy đến khu vực ấp 1B, xã Tân Lập để chích cá. Chiều tối cùng ngày vẫn không thấy chồng về, vợ anh Tuấn là chị Nguyễn Thị Loan (37 tuổi) và con trai Lê Thành Phát (17 tuổi) đi kiếm thì phát hiện anh Tuấn đã chết dưới suối thuộc khu vực ấp 1B, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú. Kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi xác định nguyên nhân là do bình ắc quy bị hở điện đã giật chết anh Tuấn. Tiếp đó vào ngày 30-4, anh Điểu Pa Rin (Bù Đăng, Bình Phước) mang bình điện ắc quy 12v ra con suối sau nhà chích cá về làm thức ăn. Đến tối gia đình không thấy anh về nên tổ chức tìm kiếm thì phát hiện thi thể anh nằm bên bờ suối. Qua khám nghiệm thi thể người xấu số, Cơ quan CSĐT Bù Đăng xác định do bình ắc quy bị hở điện nên dẫn đến cái chết của anh Rin.

Đánh bắt cá bằng kích điện không chỉ tận diệt môi trường thủy sinh, khiến các loài cá quý hiếm trên đà tuyệt chủng mà đã và đang cướp đi hàng chục mạng người ở các tỉnh Nam bộ mỗi năm. Các cơ quan chức năng địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, truy quét các điểm bị kích điện, tăng cường xử phạt cũng như phân tích tác hại, nguy hiểm của việc kích điện, hạn chế những cái chết thương tâm cũng như bảo vệ các loài hải sản quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.

Báo Công An TPHCM
Đăng ngày 07/08/2013
thạch tân
Đánh bắt

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 10:17 25/11/2024

Đồng Nai kiên quyết dẹp ngư cụ cấm và đánh bắt tự diệt

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm dẹp bỏ ngư cụ cấm và các hình thức đánh bắt kiểu “tự diệt”.

Người dân
• 09:34 01/11/2024

“Lộc trời” sau bão Trà Mi: Người dân Đà Nẵng đón nhận món quà từ biển

Bão Trà Mi qua đi đã để lại những “món quà” bất ngờ cho người dân Đà Nẵng, khi dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành được phủ kín bởi vẹm xanh, sò huyết, chíp chíp, và nhiều loại hải sản khác.

Vẹm xanh
• 10:33 31/10/2024

Người dân thất thoát trước quy định mới về đánh bắt cá ngừ

Nhiều ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn trước các quy định mới về kích thước tối thiểu khi khai thác cá ngừ vằn. Cụ thể, theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cá ngừ vằn chỉ được phép khai thác nếu đạt chiều dài từ 50cm trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhưng lại gây thiệt hại lớn cho ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cá ngừ
• 14:13 22/10/2024

Xử lý cá cảnh bị nấm: Hướng dẫn chi tiết và hiệu quả

Nấm là một trong những vấn đề thường gặp ở cá cảnh, đặc biệt là khi môi trường sống của chúng không được duy trì đúng cách. Nấm có thể xuất hiện dưới dạng các vết loét trắng trên da, vây hoặc mang cá, khiến cá bị suy yếu và dễ mắc các bệnh khác.

Bệnh nấm cá
• 16:31 27/11/2024

Bản chất pH ao nuôi tôm và cách xử lý

Các kỹ sư thường tư vấn bà con việc kiểm tra pH đều đặn ngày 2 lần. Tuy nhiên nếu kiểm soát được môi trường tốt, nuôi được tảo có lợi chiếm ưu thế thì pH ao tôm sẽ được ổn định và hạn chế dao động. Việc hiểu bản chất sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan và điều chỉnh pH theo ý muốn của mình được dễ dàng.

pH ao nuôi tôm
• 16:31 27/11/2024

Dấu hiệu tôm bệnh thể hiện ở ruột và gan

Trong quá trình nuôi tôm, bệnh tật là một trong những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của tôm. Một trong những dấu hiệu rõ rệt để nhận biết tôm có bệnh là sự thay đổi bất thường ở gan và ruột. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu này giúp người nuôi có thể can thiệp kịp thời, từ đó giảm thiểu thiệt hại và duy trì sự phát triển khỏe mạnh cho tôm.

Gan tôm
• 16:31 27/11/2024

Tại sao sử dụng men vi sinh trong nuôi tôm không hiệu quả?

Men vi sinh đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nuôi tôm, với mục tiêu cải thiện sức khỏe tôm, phòng ngừa bệnh tật, và tối ưu hóa chất lượng môi trường nuôi. Tuy nhiên, một thực tế đáng tiếc là không phải lúc nào việc sử dụng men vi sinh cũng mang lại kết quả như kỳ vọng.

Men vi sinh
• 16:31 27/11/2024

Loài tảo mới làm thức ăn cho cá tôm

Các nhà nghiên cứu Philippines tại Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á (SEAFDEC/AQD) đang thử nghiệm “tảo spaghetti”, có tên khoa học là Chaetomorpha linum, trong thành phần thức ăn cho cá và tôm nhằm giảm chi phí thức ăn thủy sản.

Tảo
• 16:31 27/11/2024
Some text some message..