Chị Nguyễn Thị Thương, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), kể: Cứ đêm xuống, vợ chồng đội đèn pin lội bắt ốc dọc các tuyến kênh, sáng sớm chở xe máy đi bán ở chợ Gò Bồi - xã Phước Hòa, giá mỗi ký ốc từ 4.000 - 6.000 đồng tùy loại lớn, nhỏ.
“Dọc theo các đám ruộng ven đầm Thị Nại, ốc bươu vàng sinh sôi rất nhiều, nếu không bắt diệt thì ốc ăn hết lúa, nên sau đợt lũ cuối cùng trong năm 2017, bà con đã ra đồng bắt ốc cả ngày lẫn đêm, ít nhất mỗi người bắt được 30 - 50 kg, vừa có thu nhập và để bảo đảm lúa sạ an toàn”, anh Phan Văn Quân, ở thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh (huyện Phù Cát), cho biết.
Tại chợ Gò Bồi, có 4 điểm thu mua ốc bươu vàng vào sáng sớm. Chị Nguyễn Thị Duyên, chuyên thu mua ốc bươu vàng tại chợ Gò Bồi, cho hay, có ngày chị mua đến 6 tấn ốc, giờ thì ít hơn cũng mua được 2 tấn/ngày. Ốc mua xong thì phân loại rồi chở đi bán cho các quán nhậu và các hộ nuôi tôm hùm ở Phú Yên để làm thức ăn cho tôm.
Theo ông Võ Xuân Thiết, Trưởng Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Tuy Phước, năm nay ốc bươu vàng sinh sản nhiều ở vùng trũng thấp, nhất là các xã ven đê Đông. Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con nông dân phương pháp bắt thủ công, diệt ổ trứng kết hợp sử dụng thuốc đặc hiệu bơm vãi khi đưa nước vào ruộng lần đầu chăm sóc lúa, nên đã hạn chế tối đa ốc bươu vàng gây hại lúa.