Bên cạnh đó, công tác kiểm soát xả thải từ các nhà máy, khu công nghiệp còn hạn chế đã dẫn đến hiện tượng cá nuôi, đặc biệt là cá lồng tại một số vùng bị chết, ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống của người dân.
Do đó để hạn chế thiệt hại, phòng ngừa các sự cố đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra và để ổn định tình hình sản xuất, Tổng cục Thủy sản vừa có văn bản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện quyết liệt việc tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định về nuôi cá lồng/bè.
Theo nội dung văn bản, Tổng Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương hướng dẫn người nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường quan trọng như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3... đồng thời theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra.
Trường hợp khu vực đặt lồng/bè nuôi cá có hàm lượng oxy hòa tan thấp dưới ngưỡng cho phép, các địa phương cần hướng dẫn người dân phải có giải pháp giúp tăng hàm lượng oxy hoa tan cho cá như bổ sung sục khí, quạt nước, máy đảo nước…
Đồng thời hướng dẫn người nuôi không thả cá giống khi môi trường chưa đảm bảo, thực hiện đúng mật độ, giãn thưa khoảng cách giữa các lồng/bè nuôi; không sử dụng thức ăn dư thừa, hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống để tránh làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Đối với cá nuôi đạt kích thước làm thương phẩm cần hướng dẫn người dân khẩn trương thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại.
Đối với các địa phương có cá nuôi bị chết, Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương cần phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân, có kết luận và thông báo cho người nuôi biết cũng như thực hiện các biện pháp xử lý cá chết theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.