Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 1.819 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, bao gồm 826 cơ sở SXKD sản phẩm nông lâm thủy sản; 280 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 278 cơ sở kinh doanh giống cây trồng, phân bón và chất bổ sung; 207 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y cho động vật và thủy sản; 178 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật… Nhìn chung, các cơ sở chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ nên hiểu biết pháp luật của chủ cơ sở còn hạn chế. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người SXKD về chất lượng vật tư nông nghiệp và VSATTP. Trong 10 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật về VSATTP lĩnh vực nông nghiệp cho 3.778 lượt người, đối tượng là cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ sở SXKD và nông dân. Ngoài ra, còn chú trọng thực hiện công tác vận động và hướng dẫn thực địa cho các tổ chức, cá nhân SXKD áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt. Trọng tâm là sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau; thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong chăn nuôi, nuôi trồng; giết mổ, vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm đảm bảo VSATTP.
Thực hiện kế hoạch hành động Năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2015, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp đã được UBND tỉnh hoạch định. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường công tác kiểm tra điều kiện VSATTP tại các cơ sở SXKD, trọng tâm là phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục; thanh tra xử lý vi phạm đối với cơ sở xếp loại C, tái kiểm tra vẫn xếp loại C. Trong 10 tháng đầu năm, các đơn vị chuyên ngành và phòng NN&PTNT các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 45 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và tái kiểm tra 10 cơ sở xếp loại C; kiểm tra 96/559 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; đánh giá phân loại 267/993 lượt cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với 195 cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và 254 cơ sở SXKD sản phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy các cơ sở đã có ý thức trong việc tổ chức thực hiện khắc phục các sai lỗi và cải thiện điều kiện đảm bảo chất lượng VSATTP. Thể hiện ở tỷ lệ cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp xếp loại C đã giảm từ 19,68% năm 2014 xuống còn 11,99%; số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C giảm 7,63% so với năm 2014. Đây là diễn biến cho thấy công tác quản lý chất lượng VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.
Được biết, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phát động trên phạm vi toàn quốc Đợt cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016. Trong đợt cao điểm này, Bộ yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành; kiểm soát chất lượng VSATTP đối với các sản phẩm thịt, rau, quả, thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm VSATTP; đồng thời chú trọng việc hướng dẫn các cơ sở SXKD thực hiện chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo điều kiện VSATTP, xác định sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng. Tại tỉnh ta, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung trong kế hoạch hành động Năm VSATTP lĩnh vực nông nghiệp 2015. Theo đó, yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn; thông báo công khai kết quả kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, VSATTP các cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, tập trung tái kiểm tra cơ sở xếp loại C và cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; tiếp tục triển khai giám sát đối với chuỗi sản phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt lợn, thịt gà và thủy sản; khi phát hiện vi phạm phải kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng, tiến hành truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật… Đó là những hoạt động thiết thực, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp - vốn được xem là lĩnh vực quan trọng trong chương trình tái cơ cấu ngành NN&PTNT.