Tín hiệu khởi sắc
Cà Mau là một trong những địa phương xuất khẩu tôm dẫn đầu cả nước, với kim ngạch hàng năm đạt hơn 1 tỷ USD. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2020 xuất khẩu của tỉnh gặp khó và có phần suy giảm. Song, với sự nỗ lực của ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp đã giúp tình hình xuất khẩu gần đây có chuyển biến tích cực.
Thống kê mới nhất của Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 10-2020 đạt gần 133 triệu USD, nâng lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 783 triệu USD, tăng 6% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường châu Âu tăng trên 33%, Canada tăng 24%, Nhật Bản tăng gần 13%... Song song đó, các doanh nghiệp ký được một số hợp đồng mới với các đối tác ở EU để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào những tháng cuối năm.
Ở Bạc Liêu, tính hết tháng 10-2020 kim ngạch xuất khẩu (chủ yếu là tôm) đạt hơn 600 triệu USD, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ. Với đà này, cùng nhu cầu thị trường có nhiều tín hiệu khả quan, Bạc Liêu đang gia tăng xuất khẩu nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, cái khó mà các doanh nghiệp gặp phải hiện nay là thiếu hụt tôm nguyên liệu, khiến việc gia tăng xuất khẩu chưa như mong muốn. Ông Huỳnh Thanh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau, cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh, giá tôm nguyên liệu giảm một thời gian dài nên người dân hạn chế nuôi. Ngoài ra, mưa và triều cường kéo dài gần đây khiến tôm nuôi bị thất thoát, dẫn đến sản lượng giảm. Hiện các doanh nghiệp tranh nhau mua tôm nguyên liệu và giá tăng lên do nhiều hộ dân ở ĐBSCL mới thả nuôi lại, vì vậy phải chờ đến đầu năm 2021 mới có nguồn cung trở lại”.
Đối với cá tra, sau thời gian dài ảm đạm vì giá rớt thê thảm xuống mức 17.000 - 19.000 đồng/kg, gần đây giá cá tăng trở lại. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất, dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho hay: “Các nhà máy đang mua cá tra xuất khẩu với giá khoảng 23.000 đồng/kg, giá này hộ nào nuôi đạt sẽ có lãi. Gia đình tôi vừa bán cho nhà máy gần 400 tấn cá tra, trừ chi phí còn lời khoảng 1.000 đồng/kg. Cùng với giá tăng thì nhà máy mua xong là trả tiền mặt ngay, điều này cũng làm cho người nuôi phấn chấn sau những đợt thua lỗ trước đó”.
Nỗ lực về đích
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nếu như xuất khẩu cá tra ì ạch trong thời gian đầu năm thì từ cuối quý 3-2020 tình hình đã dễ thở hơn. Thống kê 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 9-2020, xuất khẩu cá tra đạt 129 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ, như vậy mức độ giảm đang dần được thu hẹp. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ thuận lợi hơn bởi nhu cầu tiêu thụ tăng nhân dịp lễ Noel, năm mới…
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Việt (An Giang), cho biết: “Bình quân mỗi tháng đơn vị xuất khẩu 320 - 350 container (mỗi container 25 tấn) sản phẩm cá tra các loại. Những tháng cuối năm xuất khẩu tăng lên theo nhu cầu đặt hàng của các đối tác trên thế giới. Mới đây, Tập đoàn Nam Việt đã công bố lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao để xuất khẩu sang thị trường EU, Nam Mỹ, ASEAN, Trung Quốc, Trung Đông… Đây là những sản phẩm cá tra thơm ngon, dinh dưỡng cao, được sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn xanh, sạch, tiện lợi… Với sự đa dạng sản phẩm này, Nam Việt đang phấn đấu về đích với kim ngạch xuất khẩu cá tra từ 110- 120 triệu USD trong năm 2020”.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), cùng với đẩy mạnh xuất khẩu vào cuối năm, hiện nay công ty còn tích cực đầu tư chế biến rất nhiều sản phẩm cá tra chất lượng cao, như da cá sấy giòn, gỏi da cá, cá viên, khô cá tra, burger cá, cá tẩm bột, cá tra xẻ bướm, cá cắt lát tẩm gia vị, bánh canh cá… để phục vụ thị trường nội địa. Cần phải cung cấp cho người dân Việt Nam thưởng thức nhiều món ngon, bổ dưỡng được chế biến từ cá tra nuôi theo quy trình khép kín, an toàn. Đây cũng là hướng đi bền vững về lâu dài cho ngành cá tra.
Đối với con tôm, theo ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Cà Mau, từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực đã góp phần tạo ra lợi thế rõ rệt cho sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh đẩy mạnh xuất khẩu, bởi tôm sú được giảm thuế về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, còn tôm thẻ chân trắng đông lạnh giảm dần về 0% sau 5 năm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu tôm vào thị trường EU. Hiện ở Cà Mau có trên 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang EU. Trong 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu đạt 61 triệu USD, tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo thời gian tới số lượng doanh nghiệp xuất khẩu tôm của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đưa sản phẩm vào EU, bởi đây là thị trường rất tiềm năng.
Từ nay đến cuối năm, các tỉnh ĐBSCL sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tăng hàm lượng chế biến sâu, tạo thêm các mặt hàng giá trị gia tăng để nâng kim ngạch xuất khẩu tôm; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nắm và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho người dân nhanh chóng phục hồi vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng tôm nuôi; giảm chi phí giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh…
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 6,87 tỷ USD, giảm 2,74% về giá trị so với cùng kỳ. Những tháng cuối năm xuất khẩu gia tăng, dự kiến cả năm 2020 xuất khẩu thủy sản có thể đạt khoảng 8,4 tỷ USD. Dù thấp hơn so với năm 2019 (8,6 tỷ USD), nhưng trong điều kiện khó khăn chung thì kết quả trên là nỗ lực đáng ghi nhận…