Tăng trưởng bù là gì?
Trong môi trường tự nhiên, nhiều động vật thủy sản bị chết đói chỉ trong một thời gian ngắn do các điều kiện bất lợi, chẳng hạn như mùa vụ, sinh sản hay di cư. Từ đó, các loài thủy sản đã phát triển một cơ chế gọi là sự tăng trưởng bù, để đối phó lại những giai đoạn bị đói ngắn hạn trên. Khi nguồn cung cấp thức ăn được phục hồi, tăng trưởng bù sẽ giúp động vật thủy sản đạt được hiệu quả tăng trưởng cao hơn, bằng cách tăng lượng thức ăn sử dụng, cải thiện tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nhờ vào nguyên tắc tăng trưởng bù, nhiều chiến lược đã được thực hiện. Tuy nhiên, mỗi loài thủy sản sẽ có giới hạn nhịn ăn khác nhau, phụ thuộc vào môi trường sống và các giai đoạn tăng trưởng. Vì nếu bỏ đói quá mức sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, tiêu hóa và miễn dịch của thủy sản.
Tùy vào môi trường sống, mỗi loại thủy sản có giới hạn nhịn ăn khác nhau. Ảnh: Tepbac.
Chiến lược dựa trên sự tăng trưởng bù
Với sự sụt giảm của việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đã tăng mạnh trong nhiều năm gần đây. Theo tổng kết của FAO, năm 2016 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 80 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng đã và đang được duy trì hơn 3 triệu tấn/năm trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, khi mở rộng nhanh chóng việc nuôi thủy sản, chắc chắn sẽ làm tăng nhu cầu thức ăn, điều này lại gây áp lực lớn cho ngành cung cấp nguyên liệu.
Thức ăn là khoảng chiếm chi phí cao nhất trong quá trình nuôi thủy sản. Vì vậy, nếu tìm ra các biện pháp hữu ích để tiết kiệm chi phí thức ăn, không chỉ giảm được áp lực lên ngành nguyên liệu, mà còn giảm đáng kể chi phí nuôi trồng. Chiến lược bỏ đói rồi cho ăn lại theo chu kỳ đã được sử dụng ở nhiều loài cá. Chiến lược này tận dụng lợi thế có sự tăng trưởng bù ở cá, cải thiện hiệu suất sử dụng thức ăn, lại không ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng. Sự bù trừ này của thủy sản không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nuôi, mà còn góp phần giảm sự bài tiết nitơ vào môi trường nước.
Tôm thẻ chân trắng là loài giáp xác được nuôi rộng rãi nhất trên thế giới. Chúng có giá trị dinh dưỡng, năng suất và nhu cầu tiêu dùng cao. Nuôi tôm thẻ chân trắng trở thành hoạt động nông nghiệp quan trọng tại các quốc gia ven biển. Cùng với sự phát triển của ngành nuôi tôm công nghiệp, nhu cầu về thức ăn cho tôm thẻ cũng đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, giá cá bột nguyên liệu trên thị trường đã tăng gần 300% chỉ trong thập kỷ vừa qua. Do nguồn đánh bắt tự nhiên ngày càng khan hiếm, điều này cũng khiến giá thức ăn tăng cao. Cần thiết một chiến lược cho tôm ăn phù hợp, để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm. Nghiên cứu này thử nghiệm chiến lược bỏ đói rồi cho tôm ăn lại theo chu kỳ, dựa vào sự tăng trưởng bù của tôm, liệu cách này có phù hợp với tôm thẻ?
Cần thiết một chiến lược cho tôm ăn tiết kiệm, dựa vào tăng trưởng bù liệu có phù hợp? Ảnh: Tepbac
Thực hiện và kết quả của chiến lược
Chọn 720 con tôm thẻ như nhau, chia đều vào các bể với 3 nghiệm thức:
- (C) Cho ăn hằng ngày trong một tuần (đối chứng).
- (F1) Bỏ đói một ngày, cho ăn lại sáu ngày tiếp theo trong tuần.
- (F2) Bỏ đói trong 2 ngày, và cho ăn lại 5 ngày tiếp theo trong tuần.
Tổng thời gian thực hiện kéo dài 6 tuần, những ngày cho ăn bao gồm 4 lần 6h, 12h, 18h và 24h. Trong quá trình thí nghiệm, các chỉ tiêu chất lượng nước của các nghiệm thức được điều chỉnh như nhau.
Chiến lược trên được thực hiện mô phỏng mô hình nuôi tôm thâm canh với mật độ cao. Kết quả chỉ ra rằng, việc bỏ đói tôm rồi cho ăn bù lại không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Hiện tượng này có thể liên quan đến sự tăng trưởng trưởng bù ở các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, tỷ lệ sống lại thấp ở các nghiệm thức F1 và F2. Người ta thấy hiện tượng tôm tấn công nhau khi đói, nhiều con lại lột xác lúc không đủ chất dinh dưỡng này và khả năng tổng hợp protein ở tôm tăng lên khi cho ăn lại. Không giống như cá, sau thời gian bị bỏ đói, năng lượng cá sử dụng xuất phát từ nguồn protein và lipid dự trữ, do đó hàm lượng này ở cá bị suy giảm. Tuy nhiên, tôm lại không như vậy, những con tôm đang lột xác hay những con yếu sẽ bị những con tôm khác ăn. Protein và lipid mà tôm ở F1 và F2 sử dụng đều là từ thức ăn và thịt đồng loại mà chúng hấp thu.
Chiến lược trên được thực hiện mô phỏng mô hình nuôi tôm thâm canh với mật độ cao. Ảnh: Tepbac.
Enzyme tiêu hóa là một thành phần rất quan trọng của quá trình hấp thu dinh dưỡng và tăng trưởng ở tất cả động vật. Trypsin, lipase và amylase được coi là các enzyme tiêu hóa chính, có vai trò quan trọng trong quá trình đồng hóa dinh dưỡng trong gan tụy của tôm. Việc bỏ đói và năng suất tăng trưởng của tôm giảm không liên quan đến các enzyme tiêu hóa này, khi hàm lượng của chúng không bị ảnh hưởng.
Tóm lại, chiến lược này có thể giữ nguyên sự tăng trưởng của tôm, nhưng sẽ thúc đẩy hiện tượng ăn nhau làm tỷ lệ sống giảm thấp so với nhóm cho ăn liên tục. Không thể phủ nhận việc ăn thịt đồng loại sẽ cung cấp nguồn protein tốt hơn cho tôm, tôm có sức khỏe tốt hơn nhờ nguồn protein này. Hiệu quả sử dụng thức ăn cũng cao hơn sau khi tôm bị bỏ đói, chứng tỏ tôm cũng tăng trưởng bù sau khi được cho ăn lại. Tuy nhiên, vì tỷ lệ sống giảm thấp, không nên áp dụng chiến lược bỏ đói rồi cho ăn bù lại trên tôm thẻ chân trắng.
References: Jian-Chun Shao,Wan-Qing Zhu,Mei Liu,Lei Wang,Wei Zhao (2020). Cyclical fasting and refeeding is not an advisable feeding strategy for white shrimp (Penaeus vannamei), Elsevier, viewed 1/6/2021, from