Đó là một trong số những bất cập trong công tác tập huấn sản xuất cho nông dân hiện nay.
Cần linh động hình thức
Ông Dương Kim Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Giang, huyện Năm Căn, trăn trở: “Ở đây đặc thù là sông nước, đi lại rất vất vả. Đợt rồi chúng tôi tổ chức đi tham quan một số mô hình trên địa bàn xã và xã bạn Thanh Tùng (Đầm Dơi) nhưng tốn đến gần 10 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí địa phương có hạn, đâu thể tổ chức được nhiều lần đi tham quan, nhân rộng mô hình được. Về tập huấn kỹ thuật thì nhận thức của bà con cũng còn mơ hồ lắm. 10 người đi tập huấn về, không biết có được 2 người áp dụng thành công không. Cái bà con cần là những mô hình cụ thể tại hiện trường”.
Ông Trương Trung Dũng, Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi tôm - cua ở ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, bộc bạch: “Thấy người ta nuôi tôm quảng canh cải tiến mình ham quá, nhưng kỹ thuật còn yếu nên chưa dám triển khai. Mong muốn của các tổ viên là có một mô hình điểm rồi đến đó học hỏi tại hiện trường thì mới mong hiệu quả, chứ chữ nghĩa bây giờ có khi chúng tôi không hiểu lắm”.
Công tác tập huấn muốn đạt được chất lượng thì phải làm tốt công tác xác định nhu cầu từ cơ sở, đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Anh Nguyễn Nghi Lễ cho biết, mong muốn của người dân là được mắt thấy tai nghe mô hình mà mình giới thiệu. Tuy nhiên, do điều kiện đi lại còn khó khăn, trong khi kinh phí cho những địa bàn xa hay gần đều như nhau nên việc tập hợp được nông dân đến hiện trường không hề dễ.
Đặc thù của huyện Ngọc Hiển, Năm Căn là vùng sông nước, nên việc đi lại là cực kỳ khó khăn. Việc bố trí lớp học phải đợi nhiều thứ, đợi con nước, đợi tập hợp được đủ người… Đã vậy, còn phải đợi kế hoạch để tập huấn.
Thay đổi nội dung phù hợp
Chị Huỳnh Thị Tuyết, Trưởng Phòng Thông tin - Huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau, nhận định: “Nhất thiết phải thay đổi nội dung tập huấn cho phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nông dân. Nên tập huấn những gì mà nông dân cần hơn là những gì mình có”.
Đã qua, các hoạt động thông tin tuyên truyền đã được đổi mới nội dung và hình thức, chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, về công tác tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình, một số cán bộ về chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp truyền đạt còn hạn chế nên chưa thu hút được người tham gia. Một số cuộc hội thảo nhân rộng mô hình, do thiếu mô hình thực tế nên tính thuyết phục nông dân chưa cao. Trong một thời gian ngắn (khoảng 1 buổi, 1 ngày) làm sao có thể chuyển tải được cả một khối lượng thông tin. Nếu có chuyển tải được thì với nhận thức còn hạn chế của nông dân làm sao họ có thể “tiêu hoá” hết. Ông Trần Hữu Nghĩa, ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, trăn trở: “Kế hoạch tập huấn không cần nhiều, mỗi xã chỉ 1-2 mô hình chủ lực là được. Nhưng nên cầm tay chỉ việc, nên tổ chức hội thảo đầu bờ cho bà con mắt thấy tai nghe, có như thế việc học mới đạt hiệu quả”.
Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, năm 2014, chương trình tập huấn sẽ có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. “Năm 2014 này, chúng tôi sẽ ưu tiên cho những mô hình trình diễn, lớp học hiện trường và tổ chức nhiều những cuộc hội thảo nhân rộng mô hình để nông dân học tập kinh nghiệm”, ông Sử cho biết.
Tuy vậy, đến thời điểm này Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư vẫn chưa triển khai kế hoạch tập huấn đến với các địa phương. Chị Tuyết trăn trở: “Chúng tôi cũng muốn kịp thời vụ lắm, nhưng vì phải qua “nhiều cửa” mới làm xong thủ tục; từ đấu thầu in ấn tài liệu, kế hoạch từ các địa phương báo về, phê duyệt kinh phí,…”.
Khi đã xác định được cái cần, cái khó của người dân, cần lên kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Với nông dân, để tập huấn hiệu quả thì kế hoạch phải gắn với thời vụ, vụ nào thì cây con đó. Có như vậy thì người dân khi được mời tập huấn mới tích cực tham gia và lắng nghe để áp dụng vào thực tế./.