Khô rắn cho khách “VIP”
An Giang được xem là nơi sản xuất cá khô nổi tiếng ở ĐBSCL, như khô cá tra phòng, khô cá sặc bổi, khô cá lóc, khô rắn… Mỗi năm làng nghề ở địa phương này có thể cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn khô các loại và XK. Đặc biệt, năm nay là tết Quý Tỵ nên loại khô rắn sản xuất tại Châu Đốc (An Giang) bán rất chạy.
Ông Nguyễn Phụng Hoàng, GĐ Cty TNHH MỘT TV Bà Giáo Khỏe 55555 ở Thị xã Châu Đốc – An Giang, chuyên sản xuất loại khô rắn cung cấp thị trường tết cho biết: “Năm nay năm rắn, nên thị trường rất hút hàng loại khô rắn. Tuy nhiên, thị trường biết đến loại khô này toàn là khách VIP vì giá khá cao từ 300-400 ngàn đ/kg. Còn loại đặt biệt lên tới 500 ngàn đ/kg”.
Tính đến thời điểm này, Cty sản xuất không đủ đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, vì bị giới hạn nguồn nguyên liệu. Bởi rắn bắt trong tự nhiên như rắn nước, rắn bông súng, rắn râu, rắn trun, rắn hổ hành…không phải là vô tận. Để làm khô rắn, phải chuẩn bị từ tháng 7 đến tháng 11 mới có sản phẩm làm khô. Vì thời gian đó lọt vào tháng nước lũ, nguồn rắn có nhiều, đặc biệt mua từ Campuchia về mới đáp đủ lượng hàng bán khoảng 300-400 kg cho những tháng tết.
Theo ông Hoàng: “Nếu làm khô rắn mà mua rắn sống trong nước về làm thì giá quá cao, không có lời. Bình quân cứ 4 kg rắn thịt cho ra 1 kg khô rắn...". Mỗi năm chỉ làm được một mùa khô rắn, để bán tết.
Khô cá giá cũng vừa phải
Về vùng chuyên làm khô cá nổi tiếng, hình thành từ vài chục năm trước đây ở xã Khánh An, thuộc huyện An Phú (An Giang), người mua có thể lựa được nhiều mặt hàng khô mình ưa thích, như khô cá lóc đồng, cá lóc bông, cá tra, cá sặc rằn, sặc bổi… Vào những ngày cận tết, ghe tàu cặp bến, cá lên hàng, khô xuống tàu, với hằng trăm lao động từ trẻ đến già tất bật.
Anh Huỳnh Văn Dũng, dân chuyên làm khô cá lâu năm ở xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) cho biết: “Làng khô ở đây sản xuất quanh năm. Nguồn nguyên liệu dồi dào được nhập từ Thái Lan về qua cửa khẩu Campuchia. Còn vào những tháng mùa lũ, lượng cá đồng trong nước phong phú, nên nguồn nguyên liệu được các hộ nuôi đem cá tươi đến tận nơi bán”.
Thông thường mỗi đợt mua từ 5-10 tấn cá lóc tươi để làm khô cá. Cả gia đình anh cộng thêm với khoảng 5 lao động; mỗi đợt sản xuất từ 3-6 tấn khô cá. Giá bán tại chỗ từ 160.000 - 220.000 đồng/kg, tùy loại.
Còn ông Nguyễn Tấn Tài, chủ cơ sở khô cá lóc Kim Huê, ở huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết: “Vào những tháng gần tết như hiện nay, cơ sở ông tiêu thụ được từ 800-1.000kg khô cá; còn ngày thường chỉ 250 - 300kg khô thành phẩm. Thường thì 4kg cá lóc tươi làm ra được 1kg cá lóc khô và phải phơi trong 4 nắng mới xuất bán được”.
Giá khô năm nay vẫn như năm ngoái, bình quân từ 220.000 - 250.000 đồng/kg (tùy cỡ lớn nhỏ). Tại chợ Long Xuyên, khô cá lóc Chợ Mới và Thoại Sơn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên bán rất chạy. Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ sạp khô tại chợ Long Xuyên cho biết: “Bình quân mỗi mùa tết, sạp khô của tui bán được vài trăm kí khô cá lóc và sặc rằn... ”.
Nghề làm khô cá ở An Giang đang ăn nên làm ra trong dịp này