Dọc bãi biển, đoạn từ xã Dương Hòa (Kiên Lương) đi TX Hà Tiên xác nghêu nằm la liệt, trắng xóa. Những con nghêu được bới từ cát lên đã thối rữa, mùi tanh xộc lên khắp nơi.
Nghêu chết trắng bãi
Ông Danh Sang (46 tuổi, ngụ ấp Bãi Ớt), một trong những người nuôi nghêu có diện tích lớn nhất tại khu vực Bãi Ớt (xã Dương Hòa) cho biết, khoảng 1 tuần trước, bãi nghêu của ông với tổng diện tích 30 ha bị chết nhưng chưa rõ nguyên nhân. “Sáng 8/5 khi còn đang ngủ, tôi nghe tiếng đứa cháu giữ nghêu la lớn báo nghêu nổi lên hết cả rồi, ra lấy thùng mà đựng. Lúc đầu không tin vì tưởng thằng cháu nói đùa, tôi lật đật ngồi dậy vội chạy ra bãi nghêu, nhìn thấy nghêu chết mà mình cũng muốn chết lặng. Hàng trăm tấn nghêu dày đặc nằm ngổn ngang, trắng vỏ” - ông Sang kể.
Đợt nghêu này ông đầu tư nuôi gần 60 tấn nghêu và sò lông, sò huyết, với vốn đầu tư cho con giống hơn 1,1 tỷ đồng. Nghêu chết khiến ông Sang thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng.
Anh Danh Phân, người làm thuê cho ông Sang kể: “Đêm đó, khi ra ngoài bãi để ngủ giữ nghêu thì tôi phát hiện cá nổi đầu dạt vào mé biển, cứ nghĩ là bình thường vì ở đây lâu lâu cũng có một vài con cá chết như vậy. Tuy nhiên, sáng hôm sau ngủ dậy, chưa kịp rửa mặt thì thấy nước biển có màu đỏ đục còn nghêu chết trắng hết bãi”.
Cùng chung hoàn cảnh với ông Sang, ông Chung Đình Tú (49 tuổi, ngụ ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa) thốt lên: “Tôi nuôi cá mấy năm nay nhưng chưa từng thấy nguồn nước độc ghê gớm đến như vậy. Nước chảy đến đâu là cá nổi đầy tới đó”. Ông Tú cho biết, đợt này ông thả 3.200 con cá mú, 300 con cá bớp, tất cả đã đạt trọng lượng 400 – 500 gram/con. Vốn bỏ ra gần 200 triệu đồng, chưa thu hồi được đồng nào thì đã mất sạch.
Nằm cách xã Dương Hòa khoảng 7km, bà Vương Thị Lê Thanh (40 tuổi, ngụ ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên, TX Hà Tiên) kể: “Chiều 7/5 người dân ở đây ùn ùn kéo đi bắt lịch biển. Tôi chạy theo để xem, thấy hàng ngàn con lịch nổi đầu trôi dạt vào phía bờ. Đến hôm sau thì 12 tấn nghêu của tôi vừa thả được 7 tháng nằm trắng xóa ngoài bãi”.
Trắng tay, nợ lút đầu
Bà Thanh cho biết, tổng thiệt hại do nghêu chết, tính đến thời điểm này của gia đình bà là trên 700 triệu đồng. “Tiền vay ngân hàng 100 triệu không biết xoay xở ra sao. Kể từ khi nghêu bị chết cho đến nay tuyến đường này cũng không ai buôn bán được gì” - bà Thanh nói.
Bà Lâm Thị Kim Hoàng, vợ ông Sang nói trong nước mắt: “Chưa bao giờ thấy cảnh tượng hãi hùng như vậy, tất cả vốn liếng của gia đình đổ vào đó hết. Bây giờ nợ ngân hàng, rồi thiếu tiền con giống trên 120 triệu đồng, đến ngày đóng lãi mà giờ mất hết rồi chú ơi. Vợ chồng tôi sống không nổi, đêm nào cũng trằn trọc không ngủ được”. Ông Sang tiếp lời trong tâm trạng đau khổ: “Tiền đổ vào nghêu giờ mất trắng. Nhà 6 đứa con, trong đó 4 đứa đang trong tuổi ăn, tuổi học, sắp tới tôi không biết tính sao nữa. Tiền mướn mấy anh em giữ nghêu mỗi tháng 6 triệu đồng/người giờ cũng không có tiền để trả”.
Hơn một tuần nay, kể từ khi bãi nghêu bị chết trắng, 7 nhân công làm thuê cho ông Sang cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông Châu Uôn Tùng, người làm thuê cho ông Sang chia sẻ: “Nhà khó khăn nên tôi đến đây làm mướn kiếm tiền gửi về cho vợ nuôi con. Bây giờ chủ của mình lâm vào hoàn cảnh như vậy không ai muốn cả. Sắp tới tôi trở về quê đợi khi nào anh Sang nuôi mới thì chúng tôi trở lại làm việc”.
Ông Ong Văn Lình – Phó chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết: “Nghêu, sò, cá chết xảy ra vào ngày 7 – 8/5 vừa qua, cao điểm nhất là ngày 9/5. Theo khảo sát của địa phương, toàn xã thiệt hại gần 300 tấn nghêu, sò… Từ trước đến nay nơi đây chưa từng xảy ra trường hợp như vậy. Nguyên nhân được cho là nguồn nước bị ô nhiễm do độc tố, cụ thể như thế nào thì phải đợi kết quả”.
Nghi vấn nước thải từ nhà máy
Theo một số người dân địa phương, rất có thể hai Cty chế biến thủy sản trên địa bàn xã Dương Hòa là thủ phạm lén xả thải ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường nước và khiến cá, nghêu chết hàng loạt. Về vấn đề này, theo ông Lình, Cty này có xả nhưng lượng xả ra bên ngoài được tỉnh cho phép và có quy trình xử lí. “Các Cty này có lén xả trực tiếp ra bên ngoài hay không thì chúng tôi không biết được”- ông Lình nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Lộc – Giám đốc Sở TN&MT Kiên Giang cho biết, Sở đã gửi mẫu nước đi xét nghiệm, đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tình trạng nghêu, cá chết vừa qua xảy ra tại 3 xã Thuận Yên (TX Hà Tiên), xã Bình An, Dương Hòa (Kiên Lương). Mức độ thiệt hại rất lớn, chủ yếu nghêu và sò. UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Kiên Lương và UBND TX Hà Tiên tiến hành thẩm tra và xác minh số lượng, chủng loại, mức độ thiệt hại.
Ông Trần Minh Sang–Trưởng Phòng TN&MT huyện Kiên Lương cho biết, từ trước đến nay ở địa phương cũng từng có trường hợp nghêu, cá chết nhưng số lượng không lớn như hiện nay. Trước mắt UBND huyện yêu cầu thống kê thiệt hại sau đó đề xuất với UBND tỉnh để có biện pháp hỗ trợ khi biết rõ nguyên nhân vì sao nghêu, cá chết. “Chúng tôi cũng vận động người dân thu gom cá chết đem chôn và tuyệt đối không được sử dụng làm thực phẩm. Nghêu chết thông thường khoảng 2 – 3 ngày sẽ phân hủy rất nhanh trong môi trường nước”- ông Sang nói. Ông cũng cho biết, vừa qua Phòng TN&MT huyện Kiên Lương đã tiến hành kiểm tra các chỉ số thông thường của nước mặt như DO, NH3,.. thì lượng đạm trong nước không vượt ngưỡng. Người dân phản ánh nguyên nhân nghêu, cá chết là do Cty chế biến thủy sản trên địa bàn xả thải ra bên ngoài làm ảnh hưởng, tuy nhiên, vì chưa tìm ra nguyên nhân nên không vội kết luận.
“Ở khu vực bãi biển này, hằng ngày có nhiều trẻ đến tắm. Cũng trong ngày hôm đó một số trẻ tắm xong có biểu hiện ngứa, nổi đỏ. Nước biển ngà ngà, có màng giống như người ta xúc rửa bồn. Kể từ hôm đó đến nay người dân đây không ai dám ăn cá, nghêu, biển không ai dám tắm nữa”.
Bà Vương Thị Lê Thanh, ngụ ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên, TX Hà Tiên