Giá của chú tép đột biến cực hiếm này khoảng 15 triệu đồng (tại Nhật)
Tép rẻ không thiếu
Nói đến tép cảnh nhiều người nghĩ đến những chú tép tí hon với số tiền khổng lồ, tuy vậy thú vui này không phải quá xa xỉ nếu người chơi biết chọn cho mình những “em tép” hợp túi tiền.
Có mặt tại cửa hàng Suối Nhỏ, một nơi buôn bán tép cảnh lâu năm có tiếng trong thành phố, PV được anh Tuấn, chủ cửa hàng cho biết, tại Sài Gòn thú chơi tép cảnh đã có từ khoảng 6 năm trước, ban đầu chỉ tập chung ở một số ít người, sau đó khi nhu cầu người chơi tăng cao một số đã nhập tép cảnh từ Nhật để bán lại, vừa để thỏa mãn đam mê, vừa có kinh phí tiếp tục sưu tầm những loài tép độc.
Hiện tại ngay cả tại Sài Gòn những người chơi tép cảnh có giá “nghìn đô” cũng không có quá nhiều, bởi để có được một bể tép “đẳng cấp” số tiền có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Bao gồm tiền tép, các cây thủy sinh, hệ thống bể lọc, trong đó tốn kém nhất là tiền dành mua những “em tép”.
Tuy vậy, ngoài những loài tép hiếm và rất đắt như Kinhkong, Panda… có giá trung bình khoảng từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con (những cá thể đột biến hiếm gặp giá có thể dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/con), vẫn còn rất nhiều loài có thể thỏa mãn thú chơi cho những người không có khả năng dồi dào về tài chính.
Nếu người chơi bằng lòng với những chú tép “bình dân” như tép cam (80 ngàn/con), tép vàng (60 ngàn/con), tép đỏ (25 ngàn/con)… cộng với một bể thủy sinh nho nhỏ thì số tiền bỏ ra cũng không phải quá nhiều. Nếu muốn hàng “trung cấp” mọi người cũng có thể tìm đến những giống như wirered với giá xấp xỉ… 800 ngàn đồng/con.
Tại nhiều các cửa hàng hiện nay, ngoài những chú tép “VIP” thường được nhập trực tiếp từ Nhật thì số còn lại đa phần được chuyển về từ Trung Quốc, Thái Lan, tuy không “độc” nhưng những loài tép này hoàn toàn có thể thỏa mãn những người chơi với số tiền hạn chế. Với những người chơi này, loại tép VIP trên kia chỉ mang tính “điểm xuyết”.
Hiện tại, một bể thủy sinh trung bình sẽ có giá khoảng từ 4 đến 6 triệu đồng, trong đó đã bao gồm tép, đất nền, cây thủy sinh… Tuy loài tép nhỏ bé là thế nhưng nếu nắm vững những kĩ thuật cơ bản thì việc nuôi, và thậm chí là nhân giống không hề khó khăn.
Cây thủy sinh rất quan trọng trong việc tạo môi trường sống cho tép
Quan trọng nhất khi nuôi tép là phải đảm bảo được môi trường nước luôn sạch. Nước trước khi bơm vào bể phải được khử sạch clo, độ PH phải luôn giữ ở mức 6,5, nếu nước quá kiềm tép sẽ sớm bị lột vảy. Nước sẽ được thay sau khoảng 1 tuần, tuy vậy mỗi lần chỉ được thay 1/10 lượng nước trong bể.
Đất lót ở đáy hồ thường là loại đất nung được nhập trực tiếp từ Nhật, thêm vào đó sẽ có một vài viên "đá núi lửa" để bổ sung khoáng cho tép mỗi khi thay vỏ, nếu muốn giảm chi phí người nuôi cũng có thể lấy cát suối rửa sạch, và khử trùng trước khi đư vào bể nuôi tép.
Thức ăn cho tép là loại thức ăn công nghiệp được nhập từ Nhật hoặc Thái Lan với giá khoảng 400 ngàn cho một hộp 25g. Tuy vậy tép ăn rất ít, một đàn tép 10 con trong một ngày chỉ ăn hết một lượng thức ăn cỡ hạt gạo. Người chơi cũng có thể thay đổi “khẩu vị” cho chúng bằng phần cuống non của ngọn dâu tằm.
Tép cảnh là loài ít bệnh, nguyên nhân tép chết thường là do môi trường sống bị ô nhiễm, trong điều kiện bình thường tép có tuổi thọ khoảng một năm. Khi những điều kiện trên đã đủ thì tỉ lệ sống của tép gần như chắc chắn, lúc này người chơi chỉ cần chờ đến ngày tép cái “nở nhụy khai hoa”.
Tép đẻ như… heo
Điều kiện cốt lõi để tép sinh sản chính là nhiệt độ của nước, nước trong bể phải ổn định ở mức từ 23 – 25oC, quá nhiệt độ này tép sẽ không sinh sản đồng thời màu sắc của tép sẽ bị kém đi rất nhiều. Nếu môi trường sống thuận lợi, tép sẽ đẻ mỗi tháng một lần, mỗi lần 25 con, tỷ lệ sống khoảng 50%. Đó cũng chính là lý do khiến giá tép ngày một giảm hơn.
Những chú tép con mới nở chỉ nhỏ bằng con loăng quăng
Và để tránh tình trạng sinh sản cận huyết những lứa tép sẽ phải được tách riêng. Nếu nắm bắt được những giống có nhiều đặc điểm tương đồng, người chơi cũng có thể tiến hành ghép đôi để tạo ra loài mới bắt mắt hơn. Đặc biệt nếu có được những cá thể đột biến thì đó là điều vô cùng may mắn, bởi khi đó giá trị của tép sẽ tăng lên hàng chục lần.
Anh Phước Thanh, một người chơi tép cho biết, tuy rất muốn có những chú tép “khủng” nhưng với những chú tép “nhà nghèo” của mình anh vẫn thấy rất hạnh phúc. Bể thủy sinh với những động vật nho nhỏ này thật sự có tác dụng như một “liều thuốc an thần” sau mỗi ngày làm việc căng thẳng.
Dưới đây là một số hình ảnh của những chú tép đang làm nhiều người “phát sốt”: