Người nuôi dè dặt
Ghé hỏi thăm, một số bà con bàn với nhau, nếu ai chưa thả tôm giống thì tạm ngưng một thời gian, chờ giá tôm thương phẩm lên giá trở lại… vì với thời giá bây giờ dẫu có nuôi trúng mùa vẫn không lời, còn năng suất thấp sẽ lỗ.
Cà Mau có diện tích vùng nuôi tôm sú quảng canh lớn nhất cả nước. Trong mấy năm qua một số hộ dân có điều kiện đã chuyển sang nuôi tôm thẻ. Tuy nhiên trước cú sốc thị trường tôm thẻ rớt giá, ông Nguyễn Văn Lâm, HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, bày tỏ nỗi lo: Năm nay giá tôm quá rẻ, người nuôi khéo cũng chỉ lời khoảng 5-10%, còn đa số chỉ có huề vốn và lỗ. Hồi đầu năm tôi thả nuôi 3 ao, thu hoạch vẫn đạt năng suất, nhưng tính ra lỗ khoảng 100 triệu vì tôm chậm lớn và giá thấp.
Cái khó của người nuôi tôm hiện nay như ông Lâm là đã lỡ cải tạo ao xong rồi nên đành “theo lao” chuẩn bị thả nuôi tiếp vài ao tôm thẻ. Ông có cách đối phó tạm thời là thả nuôi với mật độ dầy hơn để khi tôm vô cỡ 100 – 120 con/kg thì bắt đầu thu tỉa dần, vì tôm cỡ này đang có giá. Phần diện tích ao nuôi còn lại, ông dự tính thả nuôi tôm sú mật độ khoảng 10 con/m2 để thu tôm cỡ lớn. Tôm sú lớn ít khi bị giảm giá mạnh như mấy loại khác.
Người nuôi tôm thẻ còn cho biết, do không có nhiều người thả nuôi nên tôm giống hầu hết các công ty đều bán 1 tặng 1. Ngược lại tôm sú giống đang hút, khách hàng muốn mua phải đặt trước nửa tháng. Chẳng những giữ giá mà còn tăng lên: Tôm giống có nguồn từ giống tôm bố mẹ tự nhiên ổn định mức 95 đồng/con; tôm giống từ tôm bố mẹ gia hóa từ 138 đồng/con nay lên 143 đồng/con so tháng trước. Không ít người nghĩ tôm sú có thể quay giá trở lại.
Lo lắng tôm xuất khẩu
Tôm giảm giá ở ĐBSCL do ảnh hưởng bởi thị trường tôm thế giới. Theo nguồn tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm giảm giá sâu do một số nước nuôi tôm tốt, như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc trúng mùa, sản lượng tăng. Trong khi thị trường tiêu thụ tôm mạnh nhất là Mỹ đang tồn kho cao, sau khi tôm nhập khẩu năm 2017 tăng 10% và trong tháng 2 năm nay tôm nhập khẩu vào Mỹ tăng 15%. Trong quý I/2018 tôm thẻ Việt Nam bán tại ao giảm 15% so với quý cuối cùng của năm 2017 và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo giới buôn bán tôm nguyên liệu ở ĐBSCL, có một nguyên nhân khác làm cho giá tôm trong nước giảm nữa là Trung Quốc đẩy mạnh chống buôn lậu qua biên giới và kiểm soát chặt tôm nhập tiểu ngạch. Do vậy tôm Việt Nam xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc giảm. Hơn nữa, môt số nhà nhập khẩu Trung Quốc gần đây cũng không “ăn hàng” mạnh như trước dù nhu cầu trong nước không giảm, do năm ngoái lượng tôm nhập vào Trung Quốc tăng hơn 10%. Riêng thị trường tôm lớn nhất của Trung Quốc là Quảng Đông, giá tôm cũng đã giảm 10 – 25%, dù sản lượng tôm của họ giảm 50.000 - 70.000 tấn. Dự đoán từ nay đến hết tháng 8 họ sẽ không chủ động đặt thêm các đơn hàng mới, mà phải đến tháng 9 mới bắt đầu sang mua hàng mạnh.
Trước tình hình thị trường thấp điểm khó khăn hiện nay, một số doanh nghiệp có nhà máy chế biến thủy sản ở Sóc Trăng cảm nhận lo âu: Nếu người nuôi tôm giảm tiến độ hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm thì trong vài tháng tới đến cuối năm thị trường phục hồi “ăn” tôm mạnh trở lại thì lấy tôm đâu để bán, xuất khẩu?
Ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng), cho rằng: Sản lượng tôm trong những tháng đầu năm tăng mạnh, nên các nhà nhập khẩu tận dụng cơ hội này để ép giá xuống. Để đối phó với tình trạng tôm giảm giá, người nuôi tôm không nên thả nuôi ồ ạt mà chỉ thả một phần diện tích để tránh cung tiếp tục vượt cầu, giúp cân bằng lại thị trường, nâng giá bán lên, và không nên bỏ ao trống. Nếu duy trì được diện tích, sản lượng hợp lý, nhà nhập khẩu sẽ không thể tiếp tục ép giá.