1. Ngọn gió bấc đầu mùa thổi từng cơn rả rích. Mặt nước trên cánh đồng lũ Tha La và Trà Sư, thuộc hai xã Nhơn Hưng và Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, buổi hừng đông lăn tăn gợn sóng. Tiết lạnh chỉ mới se se như những mũi kim nhè nhẹ ghim vào da, làm cánh tay tôi nổi đầy gai ốc. Dẫu biết rằng, cái lạnh sẽ ngày càng dữ dội hơn khi gió bấc vô mùa thổi mạnh, nhưng dân vạn chài lại khấp khởi mừng. Bởi, gió bấc về báo hiệu thời điểm nước bắt đầu giựt, phân đồng. Ðám cá linh, cá trắng đầu mùa nước nổi sau khi trôi dạt từ thượng nguồn về đã tạt hết lên mấy cánh đồng ngập lũ sinh sôi đẻ trứng. Sau ba bốn tháng nước ninh trên đồng, tới mùa gió bấc, nước giựt, từng đàn cá linh, cá trắng lại "chạy" ngược ra sông, còn cá đen (cá lóc, cá rô, cá trê...) thì dạt xuống mé đìa, bào, rọc đẻ trứng. Biết rõ quy luật này, cánh vạn chài tứ xứ tụ hội về mấy con kênh đầu nguồn để đón mùa cá linh ra (hay còn gọi là "mùa cá chạy").
Trên đoạn kênh ngắn vài cây số tính từ cầu Tha La chạy dọc đến bờ kênh Vĩnh Tế tiếp giáp cánh đồng biên giới mênh mông nước lũ, dễ cả trăm vạn chài quần thảo từ hừng đông riết tới xế chiều. Lão ngư Sáu Cò thở hổn hển sau khi tung cả chục cú chài, mà hổng được bao nhiêu cá. Ông quyết định vãi thêm lần nữa mới lên bờ. Vừa kéo đọt chài lên khỏi mặt nước đã thấy đám cá linh, mè vãnh nhảy tung tung. "Dữ ác hôn, sáng giờ mới trúng một mẻ! Nước chưa rút mạnh, lũ cá còn nán lại trên đồng. Chưa chịu ra!".
Ông lão vạn chài già vừa thở dốc vừa nói to. Mặt mũi tái nhợt vì đói và lạnh, ông kêu bà vợ tấp xuồng vào bờ nghỉ mệt. Hai tay lão rung rung quấn điếu thuốc rê. Bật lửa. Rít vội mấy hơi liền cho đỡ lạnh. Bà Sáu vo vội nồi cơm, lôi chiếc cà ràng đã sứt mất tiêu một "ông táo" từ dưới khoang xuồng lên chẵn vạc tre. Bên bếp lửa bập bùng, mấy làn khói mờ ảo là đà giăng khắp mặt sông, lão ngư miên man ký ức: Hồi trước, tới mùa cá ra là cả xóm sáng đèn. Nhà nào khá thì có đèn măng-sông, nhà nào nghèo thì chỉ cần cái đèn ống khói lớn (thắp bằng dầu lửa) là có thể canh đổ cá. Cá nhiều, khỏi đi xa, chỉ có miếng đăng tre, chặn một khúc kênh xây rọ dẫn cá vô dớn (cũng làm bằng nan tre) là tha hồ ủ mắm, làm khô.
Ðôi mắt ngó xa xăm, lão ngư gần 70 tuổi đầu bạc trắng, da đen nhẻm kể về mấy chục năm phiêu lưu trên sóng nước. "Hồi đó nghèo mà zui, dễ sống! Không ruộng, chỉ cần có chiếc xuồng, cái chài hay tay lưới là dư cá ăn mỗi ngày, số còn lại đem bán, khỏe re!". Nhưng tôm cá ít dần, muốn đánh bắt phải đi xa. Mỗi năm, tới mùa lũ tràn đồng, ông Sáu Cò cùng với nhiều vạn chài trong xóm lũ lượt dong xuồng ngược lên thượng nguồn. Tới đâu cất chòi sống tạm lay lắt qua ngày. Hết mùa cá, có người tiếp tục lênh đênh về miệt khác, người trở lại quê nhà tìm việc khác làm.
2. Tôi theo cánh vạn chài dọc biên giới Tây Nam từ đầu nguồn tỉnh Ðồng Tháp qua An Giang. Từ miệt Hồng Ngự, ngược lên đến tận Dinh Bà, huyện Tân Hồng chỉ thấy lốm đốm lũ. Xuôi dòng sông Sở Thượng, rẽ vào nhánh sông nhỏ dọc theo tỉnh lộ 841 từ huyện Hồng Ngự mới, qua đến tận con sông Tiền nối đôi bờ Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang). Mỏi mòn kiếm lũ. Mỏi mòn mong lũ. Mỏi mòn giận lũ, đi hoài không thấy về! Mấy cánh đồng lúa vụ ba nơi đầu nguồn làm cho mùa nước nổi... "da beo". Cá tôm ít ỏi, ngư dân cũng bị đẩy xa khỏi ngư trường tự nhiên để đánh bắt. Ðến nỗi, đi ngang qua xứ cá huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp, mừng quýnh khi thấy khô cá lóc phơi la liệt hai bên đường. Hỏi ra mới té rụm, buồn man mác! Ðâu phải lóc đồng, mò vét còn không đủ cá tươi, có đâu đến lượt làm khô mà mơ! Toàn bộ là cá lóc nuôi, số khác từ nước bạn Cam-pu-chia chuyển về! Bởi vậy, nhiều vạn chài vốn sống ngay "sở cá" ngày nào, giờ cũng phải qua xứ khác mần ăn.
Ðầu tháng 10 âm lịch, Chín Nghĩa cùng mấy vạn chài trong xóm lũ lượt kéo sang vùng đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang. Anh nói, "canh con nước mồng 10 và 25 tháng 10 âm lịch, vô mùa cá linh ra để kiếm chút sở hụi sống qua mùa nước nổi. Năm nay, lượng tôm cá tưởng khá hơn năm ngoái, nhưng tính ra cũng chẳng bao nhiêu. Mùa lũ, dân miệt dưới như Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang... cũng ngược con nước lên đầu nguồn. Túi cá tự nhiên ngày một teo tóp, nhưng cũng phải chia cho quá nhiều người. Bởi vậy, cuộc sống dân chài ngày một khó khăn. Cuộc mưu sinh vạn chài trở thành cuộc phiêu lưu luôn tiềm ẩn đầy rủi ro và gian khổ.
Vất vả, hiểm nguy luôn luôn rình rập cuộc sống của vạn chài.
Mùa lũ năm nay, Chín Nghĩa đùm túm vợ và hai sắp nhỏ xuống chiếc xuồng cui, kệ đời phiêu bạc suốt bốn tháng trời nước nổi lênh đênh. Xuồng nhỏ xíu, gắn máy đuôi tôm, mà khục khặc rền rã kiên nhẫn vượt hết khúc sông này đến cánh đồng lũ khác. Mấy bận qua sông lớn đầu nguồn, nước chảy xiết, xoáy đụn nghe ron rót ớn lạnh sống lưng. Chín Nghĩa phải nghiến răng, ghì lái qua dòng nước cuồn cuộn chảy. Qua được hiểm nguy tới hồi lưng áo ướt sũng. Hai đứa bé ghì chặt tay mẹ. Nín thinh. Mặt tái nhợt vì sợ mà không dám khóc. 40 tuổi, thì chừng nửa tuổi đời vợ chồng anh Nghĩa phải sống lênh đênh. Mái nhà nhỏ ở quê dựng lên chỉ để cho có cái gọi là nhà, chốn đi về, thắp hương tổ tiên ông bà ông vải. Còn chiếc xuồng nhỏ với chẵn vạc tre, tấm cà rèm bằng lá dừa nước mới là "nhà" thiệt mấy chục năm qua. Mấy đứa nhỏ đều sinh ra ở đây. Oe oe khóc đã nhăn mặt vì nắng, vì gió thương hồ. Nay đây mai đó, vật lộn mưu sinh, lớn lên chưa biết đến con chữ vỡ lòng thì năm tuổi, thằng Ðen, con trai lớn Chín Nghĩa đã rành không ít loại cá sông mà tới giờ, 13 tuổi vẫn chưa một ngày đến lớp. Gặp nó, tôi rút trong túi cuốn truyện tranh trinh thám. "Chú tặng" - tôi đẩy quyền sách đủ sắc mầu về phía nó. Nó lật đi lật lại, nhìn ngấu nghiến vào tranh vẽ rồi xếp lại thật nhanh. "Con chưa đi học", thằng Ðen cúi gầm mặt, giọng nhẹ hều mà sao buồn nặng trịch. Anh Nghĩa rơm rớm nước mắt nhìn đứa con trai, giải thích: Cái nghèo đẩy vợ chồng mải mốt làm ăn tới lui, thương hồ tha phương lận đận, sắp nhỏ đâu có chốn dừng chân, làm sao cắp sách tới trường. Hết mùa lũ này, tui tính gởi thằng Út về ngoại. Năm sau sáu tuổi, vô lớp một được rồi. Nhưng ngoại cũng nghèo, hổng biết chuyện học hành tụi nhỏ tới đâu.
3. Cái nghề hạ bạc, may rủi, trúng thất, đói no đều cậy hết vào... "bà cậu". Anh Sáu Thanh, vạn chài, trạc tuổi 40 nói vậy. Mặc dù, xưa nay, đâu có ai biết "bà cậu" mặt mũi thế nào. Nhưng dân làm nghề sông nước luôn ghi tạc tâm can câu: "Ðất có thổ công, sông có hà bá". Có người nói, "hà bá" chính là "bà cậu", vị thần sông giúp cho ngư dân có cái ăn, cái mặc, nhưng cũng vô cùng hung tợn khi nổi cơn thịnh nộ. Nghề hạ bạc được coi là "đâm... hà bá" cho nên được mấy ai giàu. Ðánh bắt cá quanh năm vậy chứ, hết thảy vạn chài đều nghèo, chỉ đủ ăn là mừng, người dư dả đếm chưa ráp một bàn tay.
Kiếm ăn trên sóng nước luôn rình rập hiểm nguy, lắm phen phải đổi bằng mạng sống. Tên cúng cơm của anh là Bùi Văn Thanh, quê huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp. Anh kể, mùa lũ năm nào cũng ngược nguồn. Chiếc ghe cào bề hoành sáu thước năm vốn là "cần câu cơm" mấy chục năm qua. Gia cảnh đơn chiếc, lại nghèo, đánh bắt ở đâu, anh chị cũng tha lôi đàn con theo đó. Nhưng năm nay, vẫn lên vùng đầu nguồn mà nom Sáu thanh như đã nguội "máu nghề". Ðôi mắt xa xăm, chất chứa một nỗi buồn. Gặng hỏi mãi, anh mới chịu kể cuộc chạy "bão" trên sông Hậu hồi đầu mùa lũ năm nay. Nỗi đau đã lặn sâu, nhưng không thể nguôi ngoai với đôi vợ chồng vạn chài khắc khổ. Chẳng còn mất mát nào hơn nữa, khi chỉ thoáng chốc, anh mất đến hai đứa con thơ mới chỉ hơn tháng trước. Lúc ấy, trời vừa nhá nhem, vợ chồng Sáu Thanh nán lại trên sông đánh mẻ cào cuối ngày, đâu ngờ, mới đi được một đoạn, sóng gió bất ngờ ập tới. Khúc sông nơi ngã ba vàm, chỗ con sông Hậu giao với rạch Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp bỗng trở nên hung hãn. Sóng tung ngọn lừng lững. Bầu trời đen kịt, như sà xuống tận đầu. Mây đen kéo từng đụn khói đèn. Lũ chim ụt trú ngụ trên ngọn cây bên bờ sông rú lên từng chập nghe lạnh gáy rồi tứ tán bay. Sáu Thanh tháo chạy. Chiếc ghe máy già nua, gồng mình đạp sóng. Một tay kìm lái, một tay Sáu Thanh tát nước ra ngoài, miệng lâm râm vái "bà cậu" phù hộ được bình an vô sự. "Vậy mà, chạy đâu có kịp. Chiếc ghe bị nhấn chìm. Vợ tôi kịp bám be ghe, thoát chết. Tôi cố hết sức chỉ cứu được đứa con gái ba tuổi, còn đứa lớn sáu tuổi và đứa nhỏ mới thôi nôi, chìm mất", giọng anh nghẹn lại.
Sau trận giông chướng cả nhà suýt đi chầu "hà bá" Sáu Thanh chợt nhớ buổi chiều "ông" chướng đã mọc lên một cái lói ở phía đằng Ðông báo hiệu. Vậy mà, mải lo lặn ngụp, anh không để ý. Cột lói giống như cầu vồng, nhưng chỉ có một khúc, nhìn từ xa, đưa tay lên ướm thử độ cỡ một gang. Mỗi chiều thấy lói mọc, cánh vạn chài tuyệt không dám ho he cho xuồng rời bến, bảo nhau tấp hết vô bờ. Chỉ tại lơ là mà anh phải đánh đổi bằng mạng sống hai đứa con thơ. "Cũng tại cái tội nghèo! Nhiều khi muốn giải nghệ lên bờ kiếm nghề khác làm ăn, nhưng đã lỡ mang cái nghiệp rồi, muốn dứt ra đâu dễ", Sáu Thanh nói mà mắt ngó lơ, mong lung trên cánh đồng ngập lũ như nhớ hai đứa nhỏ đương ở đâu đây.
Lại thêm một cái lói mọc lên phía đằng Ðông. Cánh vạn chài bảo nhau nghỉ sớm, cho xuồng vô bến. Sóng gió chưa một ngày ngơi nghỉ, kiếp vạn chài sao khỏi cảnh lênh đênh. Miệng còn ăn thì ghe thuyền còn nổi nênh trên sóng. Cũng chỉ còn biết hy vọng, ngày mai sẽ khá hơn thôi.
"Ngày trước cá tính bằng giạ như đong lúa chớ đâu có tính ký như bây giờ! Má sắp nhỏ trải đệm, cắt đầu, mần cả đêm làm mắm, tới nỗi thúi móng tay. Xứ mình "trên cơm, dưới cá" tưởng ăn hoài không hết. Ai dè mấy năm sau, lũ về mà con cá trốn đâu mất tiêu".
Lão ngư Sáu Cò (xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)