Nửa tháng nay, gia đình ông Nguyễn Trung Hoa (xóm Đông Hà 2 – xã Thạch Long) đang tập trung thu hoạch tôm trái vụ và dồn nguồn lực, nhân lực vệ sinh, cải tạo ao hồ. Với 5 ao nuôi tôm vụ xuân theo hướng thâm canh trên diện tích 1 ha, chi phí đầu tư con giống, thức ăn... khoảng trên 1 tỷ đồng.
Là người nuôi tôm lâu năm, ông Hoa sẵn sàng đương đầu với những rủi ro bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình và kỹ thuật xử lý của kỹ sư nuôi trồng thủy sản. Song, cũng như nhiều người nuôi tôm khác, ông vẫn lo ngại khi "trên thị trường xuất hiện nguồn giống trôi nổi và nguồn thức ăn kém chất lượng. Đây là nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan cao, nhất là các bệnh teo gan, đốm nâu".
Gia đình ông Nguyễn Trung Hoa (xóm Đông Hà 2, xã Thạch Long) đang tập trung thu hoạch tôm trái vụ.
Chị Đặng Thị Chuyên – Cán bộ phụ trách địa chính xã Thạch Long, cho biết: “Toàn xã hiện có 22 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung ở xóm Đông Hà 1 và Đông Hà 2. Trong đó, có 12 ha nuôi theo hướng thâm canh, công nghệ cao; số diện tích còn lại nuôi bán thâm canh và quảng canh. Nhờ áp dụng khá chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên những năm gần đây, nuôi tôm thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân đạt 7 – 8 tấn/ha, thậm chí có hộ đạt 12 - 13 tấn/ha, giá trị mỗi tấn đạt 120 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, người nuôi thả nuôi tôm vụ xuân sớm hơn, dự kiến 25/3 sẽ bắt đầu xuống giống”.
Tiếp đà thắng lợi năm 2018, thời điểm này, gia đình ông Hồ Duy Sáng (xóm Sông Hải – xã Thạch Sơn) cùng với gần 70 hộ nuôi cá lồng bè nước lợ đang tích cực chăm sóc, thu hoạch cá lứa cũ để tiến hành thả nuôi cá vụ xuân.
Ông Sáng chia sẻ: “Sau khi thu hoạch cá to, gia đình tôi sẽ sửa chữa lại 8 lồng bè và hệ thống lưới giăng, đợi thời tiết nắng ấm từ giữa tháng 3 trở đi sẽ thả lứa mới. Vụ xuân 2019, nhà tôi thả trên 1.000 con cá chẽm, cá mú, hồng mỹ... được đặt mua từ Cửa Lò – Nghệ An và Nha Trang – Khánh Hòa".
Cùng với các vùng nuôi ở Thạch Long, Thạch Sơn,hiện nay các xã Thạch Bàn, Thạch Trị, Thạch Lạc… cũng đang dồn nguồn lực nuôi trồng thủy sản với mục tiêu thắng lợi ngay ở vụ xuân.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà, vụ xuân 2019, toàn huyện thả nuôi 1.020 ha thủy sản trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 577 ha và nuôi mặn lợ 443 ha. Địa phương tiếp tục chuyển đổi, nâng cấp từ nuôi tôm quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh với tổng diện tích 350 ha. Ngoài ra, các địa phương cũng duy trì hình thức nuôi cá lồng bè trên sông bằng các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá chẽm, cá mú, cá hồng mỹ... với tổng thể tích thả nuôi 22.000 m3.
Để hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, ngành nông nghiệp tích cực chỉ đạo các địa phương theo dõi sát vùng nuôi và có các khuyến cáo, hưỡng dẫn kịp thời, thích hợp.
Theo đó, tăng cường hướng dẫn các biện pháp khử trùng, vệ sinh ao hồ, chọn mua giống ở những cơ sở đảm bảo chất lượng và thả giống theo khung lịch thời vụ. Trong quá trình nuôi, người nuôi cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh để đạt kết quả cao nhất.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Hà kiểm tra mô hình nuôi cá lồng bè của các hộ vay vốn xã Thạch Sơn
Được biết, thời gian qua, các hộ nuôi trồng thủy sản tại Thạch Hà đã được tiếp sức nhờ các chương trình tín dụng. Chỉ tính riêng Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thạch Hà, dư nợ nuôi trồng thủy sản đến thời điểm này đạt trên 8 tỷ đồng với khoảng 240 hộ nuôi. Nhìn chung, các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao và nuôi trồng thủy sản đã làm thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế huyện nhà.
Trước thềm thả giống vụ xuân, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Thạch Hà mong muốn các tổ chức tín dụng trên địa bàn quan tâm, tạo điều kiện để họ có thể tiếp tục tiếp cận nguồn vốn mới phục vụ mua con giống, thức ăn…