Biến đổi khí hậu
Theo những ngư dân lành nghề nuôi trồng thủy sản, nguyên nhân của vấn đề trên có nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, nông dân lẫn doanh nghiệp thiếu sự liên kết chặt chẽ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, An Giang là 1 trong 3 địa phương tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Biểu hiện là sự thay đổi về thời tiết, nhiệt độ trong ngày (mang tính bất thường). Cụ thể vào mùa khô, trước đây không có mưa thì nay, có năm mưa liên tục. Mưa kèm theo giông lốc và kéo dài, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Ngược lại, vào mùa mưa thì nắng hạn kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng, vật nuôi.
Đối với ngành sản xuất cá tra, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ ao nuôi giữa ngày và đêm chênh lệch biên độ lớn, từ đó cá bị “sốc nhiệt” dẫn đến chết nhiều. Lượng cá giống thả vào ao nuôi chết nhiều làm giá thành sản xuất tăng. Theo số liệu từ UBND tỉnh cho biết, năm 2011, biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho tỉnh 981 tỷ đồng, năm 2017 là 403 tỷ đồng, trong đó thiệt hại của ngành thủy sản không nhỏ. “Do biến đổi khí hậu mà giá thành nuôi cá nói chung, cá tra nói riêng những năm gần đây tăng lên rất nhiều. Trước đây, giá thành nuôi cá tra thương phẩm ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg; nay con số này tăng lên 25.000 - 26.000 đồng/kg” - ông Phạm Tấn Hải (ngư dân huyện Châu Phú) phân tích.
Theo ông Hải, nguyên nhân giá thành tăng do tỷ lệ con giống thả vào ao nuôi chết nhiều. Con giống chết có nhiều nguyên nhân. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh như: bệnh trắng mang, trắng gan hay ngư dân còn gọi là bệnh gan thận mủ, còn có sự thoái hóa từ đàn cá bố mẹ. Nhiều năm liền, giá cá tra tăng cao, các chủ trại ương giống bắt cá bố mẹ sinh sản liên tục, từ đó chất lượng con giống không đạt yêu cầu, kháng thể yếu.
Thiếu liên kết
Một nguyên nhân khác khiến giá thành tăng cao, sản phẩm kém sức cạnh tranh thị trường thế giới là do giá thức ăn, thuốc thủy sản trong 3 năm qua tăng liên tục. Cụ thể năm 2018, thức ăn cho cá giống lẫn cá thịt từ 28 - 40 độ đạm tăng đến 4 lần trong năm, thuốc thủy sản theo đó tăng theo. “Giá cá tra từ năm 2016 - 2018 ở mức cao nên các nhà cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản theo đó cũng tăng giá. Thời điểm đầu tháng 5-2019, cá tra giống loại 30 con/kg còn 26.000 đồng/kg nhưng ngư dân vẫn mua thức ăn, thuốc thủy sản với giá cao như ở thời điểm giá con giống lên đến 72.000 đồng/kg. Đây là điều bất hợp lý trong nuôi trồng thủy sản hiện nay” - bà Phan Thị Lệ (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) bức xúc.
Giá thành sản xuất của ngành thủy sản tăng, sự phát triển của ngành hàng thiếu tính bền vững, ngoài yếu tố thời tiết còn có nguyên nhân khác, đó là sự “liên kết” giữa những người làm chung một ngành hàng chưa được chặt chẽ. Báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 (được tổ chức vào ngày 18-2-2019 tại An Giang), diện tích nuôi cá tra năm 2018 của ĐBSCL đạt 5.400ha (tăng 3,25% so năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn (tăng 13,6% so năm 2017). Trong số 5.400ha thả nuôi từ cá giống đến cá thịt, có đến 20% diện tích (tương đương 1.080ha) thả nuôi chưa có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Chính điều này đã làm cho ngành hàng cá tra phát triển thiếu tính ổn định và bền vững.
“Quy luật của kinh tế thị trường là quy luật cung - cầu. Bất cứ sản phẩm nào, trong mọi thời điểm khác nhau, nếu cầu nhiều, cung thiếu một chút thì sản phẩm sẽ có giá rất tốt và ngược lại, cầu ít mà cung nhiều thì sản phẩm đó rớt giá. Vậy làm sao điều tiết được cung - cầu, việc này ta cần học nông dân các nước phát triển như: Nhật Bản, Đức, Canada… tất cả nông dân đều đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Nông dân trở thành thành viên của hợp tác xã để có được thông tin phục vụ sản xuất. Thông qua vai trò của Ban điều hành hợp tác xã nông nghiệp để điều tiết cung - cầu…” - TS Đào Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh phân tích.
Để giá thành nuôi thủy sản ở mức hợp lý trong tương lai, ngoài việc ngành nông nghiệp nói chung, nông dân trong tỉnh nói riêng phải chuẩn bị giải pháp thật tốt để ứng phó, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp Việt Nam cần vươn lên để tham gia vào thị phần thức ăn, thuốc thủy sản, bởi hiện tại có đến 60% thị phần thức ăn, thuốc thủy sản phục vụ cho ngành thủy sản Việt Nam được các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Đây là sự phụ thuộc khiến ngành cá phát triển thiếu tính bền vững. Đẩy mạnh sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình hợp tác xã thủy sản để có đầu vào, đầu ra ổn định, có vậy ngành hàng thủy sản nói chung, cá tra nói riêng mới phát triển ổn định trong tương lai.