Xuất khẩu tôm giảm, ít lợi thế cạnh tranh hơn đối thủ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính tới tháng 10/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10, xuất khẩu tôm đạt 318 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tôm trong 10 tháng qua giảm đến 24%, do nhu cầu thị trường thấp, lạm phát tăng, hàng tồn kho tăng cao. Do người dân thắt chặt chi tiêu, do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, do xung đột ở Đông Âu và Trung Đông là yếu tố chính, tác động xấu, ảnh hưởng không tốt, tới xuất khẩu tôm của Việt Nam và xuất khẩu tôm toàn cầu trong năm 2023. Theo số liệu 3 quý của năm 2023, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng (chiếm tỷ trọng 74%) đạt 1,9 tỷ USD, giảm 26%; xuất khẩu tôm sú đạt 356 triệu USD (chiếm tỷ trọng 14%), giảm 23%.
Trong 3 quý của năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm tới 34% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ còn đạt 1,16 tỷ USD. Đây cũng là thị trường có kim ngạch giảm mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu của ngành. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu và giá xuất khẩu đều giảm, càng làm tăng thêm thách thức cho cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến.
Thống kê cho thấy, giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ, thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg).
Bệnh EHP chủ yếu đến từ con giống và một số nguyên nhân khác
Giá xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ năm 2023 trung bình lần lượt các nước trong top 4 gồm: Ấn Độ 8,20 USD/kg; Ecuador 6,85 USD/kg; Indonesia 8,05 USD/kg; Việt Nam 10,92 USD/kg. Với giá tôm xuất khẩu như trên, khách hàng Mỹ sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm tôm giá rẻ để sử dụng, tôm Việt Nam thất thế trước các đối thủ trên, khi bước vào thị trường này. Điều này khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm. Tính đến hết tháng 10 năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Thách thức với ngành tôm Việt Nam
Thách thức song hành, mang tính cạnh tranh gay gắt, trong lĩnh vực giành lợi thế cung cấp nguyên liệu thức ăn thuỷ sản giá rẻ từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng khốc liệt. Trước đó, giá nhập khẩu trung bình nhiều mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm 2022 tăng so với năm 2021. Một số mặt hàng có mức tăng dưới 10% như: Khô hướng dương, khô dầu cọ, khô dầu dừa, khô hạt cải, bột gan mực… Những chủng loại mặt hàng có giá nhập khẩu tăng từ 10% đến trên 20% gồm: Khô đậu tương, khô dầu lạc, bột thịt xương, bột gia cầm, bột cá, bột bánh mì, cám ngô, cám gạo, cám mì, bột huyết tương, bột lông vũ…
Tuy nhiên, hiện tại năm 2023 thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%. Trong khi giá nhập khẩu một số chủng loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã giảm so với năm 2022 như: đậu tương, lúa mì, ngô…Dự báo năm 2024, nguồn cung nguyên liệu thức ăn thuỷ sản giá rẻ từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ phong phú, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp, nhập khẩu, sản xuất thức ăn thuỷ sản…
Thách thức lớn khác đến từ dịch bệnh tôm, từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước có gần 4.024 ha tôm nuôi tại 7 tỉnh bị thiệt hại; trong đó khoảng 2.239 ha thiệt hại do dịch bệnh (chiếm 55,65%), còn lại 1.785 ha thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân. Trong đó riêng bệnh EHP, được ghi nhận tại Sóc Trăng và Cà Mau, diện tích thiệt hại ≥ 1,3 ha. Mô hình nuôi thâm canh thường phát hiện tôm bệnh EHP trong giai đoạn từ 30 ngày tuổi. Tôm nhiễm EHP có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh giảm các gen quan trọng trong các con đường tổng hợp năng lượng đã góp phần rất lớn vào sự chậm phát triển của tôm.
Ngoài ra, có sự điều chỉnh các gen liên quan đến miễn dịch, giúp nâng cao sức đề kháng của tôm chống lại sự lây nhiễm EHP. Nói cách khác, khi tôm nhiễm EHP, tôm chậm lớn, khả năng miễn dịch của tôm giảm, sức đề kháng giảm, tôm dễ nhiễm các bệnh khác. Khi tôm nhiễm EHP trực tiếp, làm thay đổi cộng đồng vi khuẩn đường ruột, thay đổi các hoạt động của enzym, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đặc điểm tăng trưởng của tôm. Các enzym tiêu hóa như α-amylase và lipase đã giảm đáng kể ở nhóm tôm nhiễm EHP. Khi tôm nhiễm EHP, đã ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng miễn dịch không đặc hiệu, bằng cách giảm hoạt động của alkaline phosphatase, catalase, γ-glutamyl transferase, tổng khả năng chống oxy hóa, anion superoxide, phenoloxidase.
Tôm nhiễm bệnh, là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công mô hình. Ảnh: uv-vietnam.com.vn
Do đó, tổn thương nghiêm trọng do tôm nhiễm EHP gây ra ở gan tụy, đã ảnh hưởng đến quá trình bài tiết, tiêu hóa, hấp thụ và các hoạt động bình thường khác của tôm. Những tác động này ảnh hưởng đến sinh lý, chuyển hóa lipid, chuyển hóa carbohydrate, hệ thống miễn dịch, và gây ra giảm tiêu thụ thức ăn, tăng FCR và tôm chậm phát triển. Vì vậy, khi tôm nhiễm EHP không gây chết hàng loạt, nhưng làm chậm đáng kể sự tăng trưởng của tôm, làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm thu nhập và dẫn đến thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các trang trại nuôi tôm.
Các giải pháp thiết thực như giảm chi phí sản xuất trong mô hình nuôi hiện nay. Chi phí sản xuất 1 kg tôm thương phẩm của Việt Nam quá cao. Ví dụ size 50 con/kg, của Việt Nam là 4 USD/kg, cao hơn tôm của Ecuador đến 1,5 USD/kg và cao hơn tôm Ấn độ là 1 USD/kg. Đối với size 50 - 60 con/kg kg, chi phí sản xuất của Ecuador khoảng 2,3 - 2,4 USD, trong khi của Ấn Độ là 3,4 - 3,8 USD, còn Việt Nam lên đến 4,8 - 5 USD. Các khoản chi phí đầu vào bao gồm chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí lao động.
Trong đó, chi phí cố định được xác định thông qua khấu hao trang thiết bị, máy móc, lưới, bạt, vật rẻ tiền mau hỏng… chiếm từ 4,1 – 4,2%. Phần chi phí biến đổi bao gồm tôm giống chiếm 12, 8 – 13,0 %; Thức ăn: 61,9 – 65,0%; Phân, vôi, thuốc, hoá chất, nhiên liệu, lãi suất… chiếm 8,4 – 9,0%. Chi phí lao động chiếm 4,7 – 5,0% bao gồm lao động gia đình và lao động thuê mướn…Phần chi tiết giải pháp này chúng tôi đã trình bày ở nhiều chuyên đề trước, bà con vui lòng tìm đọc lại.
Cải thiện tỷ lệ thành công mô hình nuôi, giảm thiểu tối đa rủi ro, thất bại, thông qua cải tiến kỹ thuật nuôi sẽ gián tiếp giảm công lao động, vật tư, nguyên liệu. Hầu hết các mô hình nuôi hiện nay có tỷ lệ thành công thấp, rất ít mô hình có khả năng nuôi tôm về size lớn, đa số thu sau hơn 2 tháng nuôi.
Đa số các sự cố về môi trường, tôm nhiễm bệnh, là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công mô hình. Bà con cần áp dụng nhiều công nghệ mới, kiểm soát chi phí sản xuất, giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào như điện sản xuất, thuốc, hoá chất. Bà con nên ương tôm trong hồ ương chuyên dụng 150 – 300 m3, chăm sóc đặc biệt từ 18 – 20 ngày, để tôm phát triển tốt, đồng đều, tăng sức đề kháng, trước khi san, chuyển, sang ao nuôi lứa…Sử dụng ao nuôi diện tích nhỏ 1.200 - ≤ 1.500 m2, ao hình vuông, bo tròn các góc hoặc sử dụng ao tròn để nuôi tôm. Ao diện tích nhỏ dễ chăm sóc, quản lý... Điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp kỹ thuật, công nghệ, đặc điểm vùng nuôi, giai đoạn nuôi, mục đích nuôi.
Tôm nhiễm EHP sẽ ảnh hưởng quá trình phát triển. Ảnh: vpas.com.vn
Bệnh EHP chủ yếu đến từ con giống, và một số nguyên nhân khác. Riêng con giống, khâu quản lý còn nhiều bất cập, người nuôi nên tìm mua con tôm giống ở những cơ sở lớn, thương hiệu, có uy tín. Ngoài ra, để hạn chế bệnh EHP, khâu cải tạo ao, xử lý ao, xử lý nước cần đặc biệt quan tâm. Bà con cần tuân thủ quy trình xử lý các công đoạn, chọn hoá chất đúng, đủ loại cần, dùng tuần tự đúng hoá chất cho từng công đoạn, sử dụng đúng liều lượng, đảm bảo thời gian, thời điểm xử lý.
Trong quá trình nuôi, bà con hạn chế sử dụng kháng sinh, nên thay thế bằng sử dụng vi sinh thường xuyên. Mỗi năm, ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí mà doanh nghiệp chế biến tôm trong nước phải bỏ ra, để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi, đến nhà máy chế biến. Còn rất nhiều khoản chi phí khác, liên quan kiểm tra kháng sinh, khi mặt hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang các nước. Đây cũng chính là một trong những khoản chi phí làm đội giá bán tôm của Việt Nam so với các nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ. Đây cũng chính là nguyên nhân làm giảm cơ hội bán hàng tôm Việt Nam do thời gian thông quan kéo dài. Đây cũng chính là nguyên nhân, làm giảm cơ hội cạnh tranh tôm Việt Nam so với các nước trên.
Ngoài vấn đề điều trị rất hạn chế của các loại kháng sinh hiện nay, giá thành sản xuất tôm tăng rất nhiều, trong đó, chi phí thuốc chiếm từ 1/3 đến 1/2 tổng chi phí sản xuất. Cần tổ chức sản xuất hiệu quả theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh các hoạt động cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, để gia tăng giá trị, chất lượng, khẳng định thương hiệu tôm Việt Nam.