Xã Đông Minh là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm bị thiệt hại lớn nhất huyện Tiền Hải với 150 ao nuôi bị nhiễm bệnh tương đương hơn 105.000m2 (chiếm 10,68% diện tích nuôi tôm toàn xã). Dịch bệnh xảy ra khiến bà con nông dân lo lắng đứng ngồi không yên vì bệnh đốm trắng do vi rút nếu không có biện pháp khống chế kịp thời sẽ khiến tôm chết nhanh, hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Gia đình ông Đoàn Văn Hiền ở thôn Minh Châu, xã Đông Minh nuôi tôm với tổng diện tích 3.000m2; vụ nuôi tôm vừa qua, 2 ao nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng gây thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Ông Hiền cho biết: Mặc dù đã nuôi tôm gần 20 năm nay nhưng tôi cũng chưa hiểu rõ được nguyên nhân khiến tôm nhiễm bệnh là gì và lúng túng trong việc xử lý khi dịch bệnh xảy ra.
Theo ông Phí Quang Tuân, chuyên viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Bệnh đốm trắng do vi rút trên tôm nuôi đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh, người nuôi cần tiến hành thu hoạch tôm đối với những ao nuôi tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm. Tuy nhiên trong quá trình thu hoạch tôm phải bảo đảm không làm rơi vãi và lây lan dịch bệnh. Tiến hành thu gom lượng tôm chết để thực hiện chôn đúng nơi quy định, không vứt xác tôm bữa bãi làm lây lan dịch bệnh. Giữ nguyên lượng nước trong ao nuôi bị bệnh, thực hiện xử lý ao nuôi bằng hóa chất chlorine nồng độ 30ppm (30g/m3 nước) để tiêu diệt mầm bệnh trong ao nuôi và dụng cụ nuôi; giữ nguyên lượng nước đã xử lý hóa chất sau 7 - 10 ngày mới được xả nước ra môi trường xung quanh; đồng thời, thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết tình hình dịch bệnh và biện pháp xử lý để chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi. Đối với ao nuôi tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm, người nuôi cần tiêu hủy toàn bộ tôm trong ao nuôi, sử dụng hóa chất Chlorine để thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý như đã nêu trên.
Ông Phí Quang Tuân cũng khuyến cáo: Để có vụ nuôi tôm hiệu quả, trước mỗi vụ nuôi cần thực hiện cải tạo ao đầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, bảo đảm mầm bệnh trong ao nuôi đã được tiêu diệt hoàn toàn; nguồn nước cung cấp vào ao nuôi phải bảo đảm đã được xử lý tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả giống; tôm giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và đã được xét nghiệm không nhiễm các bệnh nguy hiểm. Trong quá trình nuôi, người dân cần thường xuyên kiểm soát, loại bỏ vật chủ trung gian truyền bệnh như không sử dụng chung dụng cụ giữa các ao nuôi; dụng cụ phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần sử dụng; hạn chế người, động vật ra vào khu vực nuôi. Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày như khả năng hoạt động, màu sắc tôm, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột, bộ phụ. Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp cho tôm, tránh để dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, nếu sử dụng thức ăn tươi sống phải bảo đảm không ôi thiu và đã được xử lý mầm bệnh.
Định kỳ kiểm tra màu nước, các chỉ tiêu về môi trường, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước ao nuôi, giữ ổn định các yếu tố môi trường, tránh gây sốc cho tôm nuôi. Thực hiện bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi. Khi phát hiện tôm bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng.