Đây là một trong những hoạt động chính của Festival Thủy sản Việt Nam năm 2014 tại Phú Yên. Diễn đàn sẽ tạo cơ hội để ngư dân được trao đổi, thảo luận, đối thoại với chủ các cơ sở mua bán, các DN kinh doanh, chế biến, XNK cá ngừ đại dương, các nhà khoa học, nhà quản lý; từ đó tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm trong khai thác phục vụ chế biến, tiêu thụ và XK cá ngừ.
Nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên được hình thành từ năm 1994, xuất phát từ ngư dân làm nghề câu cá nhám và câu cá mập ở làng biển Phú Câu thuộc phường 6, thành phố Tuy Hòa. Đây là nơi hình thành và phát triển nghề câu cá ngừ đại dương sớm nhất trong cả nước.
Từ khi hình thành đến nay, nghề câu cá ngừ đại dương không ngừng được cải tiến và ngày càng được trang bị hiện đại cả về máy móc, trang thiết bị và tàu thuyền. Sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được năm sau luôn cao hơn năm trước, đây cũng là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng cá ngừ câu vàng truyền thống.
Cá ngừ được xác định là một trong những mặt hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam, giá trị kim ngạch XK cá ngừ đứng thứ 3 sau mặt hàng tôm và cá tra. Năm 2008, XK cá ngừ chỉ mới đạt gần 189 triệu USD; đến năm 2012, đạt hơn 569 triệu USD; năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch XK cá ngừ vẫn đạt được 526 triệu USD.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đáng kể cho hàng ngàn lao động các tỉnh ven biển, đặc biệt là 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa.
Tuy nhiên, nghề khai thác cá ngừ đại dương những năm qua phát triển chưa thật sự bền vững. Đánh bắt, chế biến và tiêu thụ cá ngừ, đặc biệt là việc phát triển khai thác cá ngừ đại dương bằng nghề câu tay kết hợp với ánh sáng đã gặp nhiều khó khăn; số lượng tàu khai thác và sản lượng cá ngừ tuy tăng nhanh, nhưng chất lượng, giá trị sản phẩm cá ngừ lại giảm.
Đặc biệt là cơ cấu sản phẩm cá ngừ có giá trị cao nhất là dùng ăn sashimi còn thấp, tiêu thụ khó khăn, hiệu quả sản xuất giảm, có nhiều tàu, nhiều chuyến biển sản xuất bị lỗ. Thương hiệu cá ngừ Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng, giảm khả năng cạnh tranh trên các thị trường XK...
Việc tổ chức diễn đàn “Nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương” sẽ giúp cho ngư dân nâng cao nhận thức và thấy rõ vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu.
Nâng cao nhận thức và vai trò của các cơ sở thu mua, DN chế biến, kinh doanh XK trong việc khuyến khích ngư dân áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân khai thác cá ngừ đại dương. Các nhà khoa học và quản lý, DN nắm bắt được nhu cầu của ngư dân trong khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương.
Hy vọng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ ngư dân, DN nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm cá ngừ đại dương theo hướng phát triển bền vững.