Từ 2 hộ nuôi thử nghiệm ban đầu, mô hình cho thấy có khả năng phát triển mở rộng và mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho bà con.
Dự án cá chẽm nước ngọt đầu tiên ở Phú Yên
Hồ chứa sông Hinh thuộc thủy điện Vĩnh Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Sông Hinh, Ea Trol và Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, Phú Yên có tổng diện tích khoảng 41.000ha với tiềm năng to lớn về mặt nước và thủy sinh vật phong phú đa dạng. Tuy nhiên, tình hình nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện chủ yếu là nuôi lồng bè, số hộ tham gia không đáng kể với số lượng khoảng hơn 20 lồng bè, tập trung chủ yếu vào các loại cá truyền thống như cá trầu, cá trê, cá chép, cá rôphi… nên giá trị từ việc nuôi trồng thủy sản mang lại chưa cao.
Chính vì thế, dự án “Nuôi cá chẽm thương phẩm trong thủy vực nước ngọt tại lòng hồ thủy điện Sông Hinh” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên là đơn vị chủ quản phối hợp với huyện Sông Hinh triển khai thực hiện nhằm trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân. Dự án hỗ trợ 100% con giống, kỹ thuật nuôi và một phần thức ăn cho bà con. Tham gia dự án có 2 hộ, mỗi hộ có 4 lồng nuôi.
ThS Phạm Trường Giang – chủ nhiệm dự án – cho biết, cá chẽm là loài rộng muối (có khả năng sống được ở cả 3 môi trường nước biển, nước lợ và nước ngọt). Sau khi được thuần hóa từ nước biển, chuyển sang nuôi nước ngọt hoàn toàn tại hồ thủy điện sông Hinh, cá chẽm sinh trưởng và phát triển tốt.
Giai đoạn 5 tháng đầu, cá phát triển nhanh, trọng lượng từ 0,6-1kg/con vượt so với kế hoạch dự kiến do sử dụng thức ăn tạp (cá sơn, cá lúi, tôm…) được khai thác tại hồ với chất lượng cá tập tươi, đảm bảo. Tuy nhiên vào cuối năm 2017, do ảnh hưởng của con bão số 12, nguồn thức ăn cho cá không còn phong phú nên cá tăng trưởng chậm, đạt từ 0,9-1,2kg/con. “Mặc dù thời gian sau cá phát triển chậm nhưng tỷ lệ cá sông đạt tới 95%, đây là điều đáng mừng để phát triển nuôi cá chẽm tại vùng nước ngọt các hồ thủy điện” – ThS Giang nói.
Người dân phấn khởi thu hoạch cá chẽm. Ảnh: Thái Hòa
Là một trong hai hộ tham gia dự án tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, ông Đoàn Văn Cuộc cho biết, ông bắt đầu thử nghiệm nuôi cá chẽm từ tháng 4/2017 với tổng số 2.880 con cá giống/ 4 lồng. Sau 9 tháng nuôi, cá sinh trưởng tốt. So với cá trê, cá lóc trước đây, mặc dù 1 năm nuôi 2 vụ nhưng cá hay mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt lớn, giá bán không cao (khoảng 30.000-40.000 đồng/kg), trong khi cá chẽm chỉ nuôi 1 năm 1 vụ, khâu chăm sóc đỡ vất vả hơn do cá khỏe, ít bị bệnh, tỷ lệ cá chết không nhiều, đặc biệt giá bán cao 70.000 đồng/kg, nên năm nay, gia đình ông Cuộc tiếp tục mô hình nuôi cá chẽm và sẽ tăng thêm số lượng lồng, bè vào những năm tiếp theo.
Ngoài những ưu điểm mà ông Cuộc đã chỉ ra, ông Lê Ô Y Thảo - chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh - còn nhấn mạnh, chất lượng thịt cá chẽm nuôi ở nước ngọt cao hơn nhiều so với cá chẽm nuôi ở nước lợ. “Đây là mô hình khảo nghiệm mang tính thí nghiệm và là mô hình đầu tiên nuôi cá chẽm trên lòng hồ thủy điện sông Hinh” - ông Thảo nói.
“Sợ không có đủ cá để bán”
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Nông Văn Trình – phó chủ tịch xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh – cho biết, đây là mô hình mới, khi đưa vào nuôi, cá phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với 2 hộ tham dự án, có khả năng nhân rộng vì nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ dồi dào. So với mô hình cá nuôi truyền thống thì cá chèm có tính thích nghi cao hơn mặc dù mùa mưa, nước đục cá vẫn phát triển bình thường.
“Tiềm năng phát triển giống cá này là rất lớn do bà con huyện Sông Hinh từ trước đến nay vẫn chủ yếu là đánh bắt tự nhiên còn nuôi trồng chưa được phát triển mạnh. Với giá trị kinh tế cao, cá chẽm được bán chủ yếu ở các nhà hàng, khách sạn. Khi đầu ra ổn định, tôi e rằng sợ không có đủ cá để bán” – ông Lê Ô Y Thảo vui vẻ nói.
Tuy nhiên, để có thể phát triển và nhân rộng, theo ThS Phạm Trường Giang các hộ nuôi cần chú ý một số điểm như khi thả cá chẽm giống cần thả vào lúc sáng sớm, trước khi thả giống phải ngâm túi chứa cá giống vào lồng để khoảng 15-30 phút cho chúng quen dần với điều kiện nhiệt độ ngoài lồng nuôi, tránh gây sốc cá do nhiệt độ trong túi và môi trường nước lồng khác nhau; đồng thời người nuôi cần phải hiểu được tập tính đi theo đàn của cá chẽm và chỉ cho cá ăn khi cá bơi lội gần mặt nước. Cho cá ăn phải cố định vị trí nhất định trong ao, khi cá ăn no và bỏ đi thì dừng cho ăn.
Đối với việc phòng bệnh cho cá, ThS Giang lưu ý bà con cần kiểm tra tình trạng sức khỏe cá hằng ngày bằng việc quan sát cá bơi lội và bắt mồi để xử lý kịp thời, sử dụng muối và vôi treo trong lồng nuôi và tắm thuốc tím 1 tháng/lần. Tăng cường hệ miễn dịch cho cá bằng cách định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn trước khi cho cá ăn.
Ngoài những vấn đề trên, điều mà ông Đoàn Văn Cuộc cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản ở Đức Bình Đông còn băn khoăn là hiện giá con giống còn khá cao (5.000-6.000 đồng/kg) và chưa biết nơi cung cấp con giống đảm bảo để có thể mở rộng và phát triển. Hi vọng bài toán về con giống sớm được giải quyết.