1. Thanh Hóa chuyển 880 ha lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản
Từ năm 2015 đến tháng 10 – 2018, toàn tỉnh đã chuyển đổi 880 ha diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản gắn với trồng trọt, chăn nuôi. Phần lớn các diện tích chuyển đổi chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, nhưng năng suất thấp, nên hiệu quả kinh tế không cao.
Sau khi chuyển đổi, thu nhập bình quân của 1 ha đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát các diện tích vùng trũng thấp, khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi.
2. Xã Hoằng Phụ có 36 hộ phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát
Hiện nay, trên địa bàn xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) có 36 hộ phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát, với tổng diện tích khoảng 30 ha.
Theo đánh giá của các hộ nuôi, mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát vốn đầu tư lớn, song lợi nhuận thu về đạt cao và trung bình mỗi ha cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.
Tuy đem lại hiệu quả kinh tế cao, song trở ngại lớn nhất đến việc phát triển nuôi tôm trên cát của xã hiện nay là người nuôi chưa chủ động được con giống, nên rủi ro về dịch bệnh còn cao. Vì vậy, UBND xã, các hộ nuôi đang tích cực đấu mối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản uy tín trong và ngoài tỉnh để tìm được nguồn giống tôm bảo đảm chất lượng đưa vào thả nuôi.