Thanh Hóa hiện có 3 cảng cá lớn gồm Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Lạch Hới (TP Sầm Sơn) và Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc). Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, việc quy hoạch đầu tư xây dựng và khai thác cảng cá thiếu đồng bộ, nên có nơi cảng cá đầu tư hàng chục tỷ đồng bỏ hoang gây lãng phí, nơi khác tàu thuyền lại không có chỗ neo đậu.
Cảng cá loại II Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc phục vụ cho khoảng 600 tàu cá hoạt động. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động đến nay cảng cá này vẫn chưa một lần được nâng cấp, sửa chữa. Hiện các hạng mục tại cảng cá Hoà Lộc đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng, dần thu hẹp vì vậy các tàu thuyền ra, vào cảng bốc dỡ hàng hóa và kết hợp vào trong âu neo đậu, tránh trú bão gặp nhiều khó khăn. Còn tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Trường cũng bị bồi lắng rất nghiêm trọng, các tàu công suất 400 CV không thể vào neo đậu, tránh trú bão được.
Cảng cá Lạch Hới bị bồi lắng khiến tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Ảnh: Võ Dũng
Trong khi nhiều cảng cá tại Thanh Hoá bị xuống cấp nghiêm trọng thì tỉnh lại đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cảng cá loại III tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá năm 2017 với kinh phí 46 tỷ đồng. Sau khi bàn giao cho huyện Hoằng Hoá thì nhiều năm nay, cảng cá này dường như bỏ hoang, chỉ lác đác một số thuyền, bè nhỏ hoạt động.
Cảng cá Hoằng Phụ được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hiện chỉ có những con tàu nhỏ có thể neo đậu. Ảnh: Võ Dũng
Trong khi chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan còn đang loay hoay tìm giải pháp khai thác hiệu quả cảng cá Hoằng Phụ thì ngư dân vẫn chưa thể yên tâm bám biển khi thực trạng các cảng cá xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay.
Nhiều năm nay, các tàu cá công suất 400 CV ra vào cảng cá Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc gặp nhiều khó khăn do luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng. Các phương tiện khai thác thuỷ sản phải chờ nước lên mới vào cảng cá dẫn đến chất lượng thủy sản giảm, khó bán, giá thấp, tăng thêm chi phí nhiên liệu. Những ngày con nước kém, nhiều tàu bị mắc cạn ngay ở cửa lạch.
Các cảng cá được đầu tư nhiều năm, đã xuống cấp, chưa đáp ứng Luật Thuỷ sản 2017 và những bất cập trong quá trình đầu tư xây dựng mới các cảng cá đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển nghề cá, đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và đáp ứng được đội tàu cá lớn chiều dài từ 12m trở lên của tỉnh hiện nay.
Tỉnh Thanh Hoá là địa phương có số lượng hơn 2.000 tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên, trong đó có hơn 90 tàu có chiều dài trên 24m, số lượng tàu thuyền có công suất lớn của Thanh Hóa tăng lên rất nhiều so với các năm trước. Để ngư dân yên tâm bám biển, ổn định sản xuất, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá cần khẩn trương quy hoạch đồng bộ cảng cá phù hợp với thực tế, để không còn những nghịch lý đầu tư xây dựng cảng cá, tạo ra những khó khăn cho ngư dân như hiện nay.
Được biết, tỉnh Thanh Hoá sẽ bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn với tổng kinh phí 640 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2025 để nâng cấp, mở rộng các cảng cá trọng điểm như cảng Hoà Lộc, Hoằng Trường, Lạch Hới, Lạch Bạch. Đối với cảng cá Hoằng Phụ, cảng này đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đồng ý cho thí điểm chuyển đổi đơn vị quản lý là doanh nghiệp, huyện Hoằng Hoá sẽ tổ chức đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư dự kiến trong tháng 6 tới đây.
Trước những bấp cập về tình trạng xuống cấp của hệ thống cảng cá tại các địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hoá, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản xây dựng chương trình quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tổng số cảng cá sẽ được quy hoạch là hơn 150 cảng với tổng nhu cầu vốn dự kiến đến năm 2030 là khoảng 60.000 tỷ đồng. Qua đó, đầu tư một cách đồng bộ hệ thống cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước, với quy mô kết nối đồng bộ hạ tầng về giao thông, hạ tầng quy hoạch của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa và bảo vệ môi trường cũng như đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về kiểm soát nghề cá.