Chuyện người đời tại 3 xã Thiệu Trung, Thiệu Vận, Thiệu Đô của huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng chính quyền vẫn liên tiếp ký hợp đồng để các hộ ngăn sông thành ao, đắp bờ kiên cố, xây bê tông làm “biến mất” con sông trên “bản đồ” địa chính.
Việc ngăn sông Nhà Lê chảy qua địa bàn 3 xã trên đã gây ô nhiễm, ứ đọng, ngập úng trong dân. Tại xã Thệu Vận, theo hợp đồng, UBND xã đã ký giao sông cho các hộ dân nuôi thả cá bắt đầu từ ngày 1/1/1997 đến ngày 1/1/2015 (thời hạn 18 năm). Toàn xã Thiệu Vận đến thời điểm hiện tại chính quyền đã giao thầu sông để các hộ dân nuôi cá là 7 hộ, với tổng diện tích khoảng 20.000m2. Những năm gần đây, thay bằng ký dài hạn, xã đã lách luật thay đổi cách ký cho hợp lý với luật qui định là ký thầu 5 năm một lần.
Các cống thoát nước giữa các ao với nhau không được khơi thông thường xuyên nên việc tiêu thoát nước rất chậm.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Duy Hiệp - Chủ tịch UBND xã Thiệu Vận phải thừa nhận rằng việc biến sông thành ao nuôi cá là sai. Biết sai nhưng tại sao nhiều năm nay bản thân ông là chủ tịch UBND xã sao không giải quyết, nếu vượt thẩm quyền sao không có đề nghị với cấp huyện để tìm hướng mà chỉ khi người dân, doanh nghiệp lên tiếng thì mới chạy đôn chạy đáo đi khắc phục.
Mới đây, các cấp ngành tỉnh Thanh Hóa nhận được phản ánh về sự việc trên và tiến hành kiểm tra để xác minh sự việc. Qua xác minh, việc ngăn sông thành ao nuôi cá ở 3 xã của huyện Thiệu Hóa là có thật, các xã đều có hợp đồng với các hộ. Các hộ sau khi được giao thầu đã đắp bờ, ngăn sông, có nhiều hộ còn kiên cố bờ bằng bê tông.
Theo cách giải thích của ông Chủ tịch xã Thiệu Vận thì việc cho thầu sông nhằm tận dụng để thu ngân sách cho xã. Mỗi năm thu tiền thuê của tất cả các hộ cũng được hơn 10 triệu đồng. Như vậy, vì 10 triệu đồng mỗi năm mà chính quyền làm chuyện người đời để hàng trăm hộ dân chịu cảnh ngập úng, 62ha diện tích tiêu không lối thoát.
Ông Nguyễn Duy Hiệp - Chủ tịch UBND xã Thiệu Vận trao đổi với PV
Không chỉ riêng gì xã Thiệu Vận, ngay cạnh là các xã Thiệu Đô, Thiệu Trung cũng có hàng chục hộ đã được chính quyền xã cho thuê, giao thầu. Theo hợp đồng của các xã là khi các xã ngăn bờ làm ao thả cá thì phải xây một cống nước theo dòng chảy có chiều rộng 0,4m. Như vậy, từ dòng sông rộng hàng chục mét nay dòng chảy chỉ còn qua các cống nhỏ bằng 0,4m. Chính vì thế, nhiều năm nay người dân dọc tuyến sông liên tục bị ngập úng, không tiêu thoát được nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Rõ ràng ở đây, việc nuôi cá thì vài chục hộ dân và chính quyền địa phương hưởng lợi nhưng có hàng nghìn hộ dân lại khổ sở nhiều năm trời vì ngập úng, ô nhiễm.
Trước sự việc trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện Thiệu Hóa nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “bận họp”.
(Còn tiếp)