Bệnh tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS) cũng có sự hiện diện của một số thành phần vi khuẩn khác và có sự tương quan về hàm lượng vi khuẩn đối với tình trạng sức khỏe của tôm.
Hàm lượng vi khuẩn hiện diện trên tôm nhiễm EMS
Hàm lượng vi khuẩn hiện diện trên tôm nhiễm EMS cao hơn so với tôm khỏe, cụ thể hàm lượng vi khuẩn đạt đến log 7,5 CFU g/L, còn tổng vi khuẩn Vibrio đạt log 7,1 CFU g/L. Tuy nhiên đối với tôm khỏe (tôm không nhiễm EMS) thì hàm lượng vi khuẩn tổng và vi khuẩn Vibrio điều thấp hơn so với tôm nhiễm EMS. Vi khuẩn Vibrio được biết đến là tác nhân gây ra nhiều bệnh trên tôm không chỉ riêng bệnh chết sớm, điều đáng chú ý là các chủng vi khuẩn Vibrio này có thể truyền gen độc lực cho nhau, thì việc hiện diện nhiều chủng Vibrio trên tôm sẽ dễ dẫn đến vấn đề lan truyền mần bệnh trỡ nên dễ dàng và rất khó khăn trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Vibrio không chỉ hiện diện trên tôm thẻ chân trắng nhiễm EMS mà còn hiện diện trên tôm khỏe mặt dù hàm lượng có thấp hơn.
Giữa tôm nhiễm EMS và tôm khỏe có sự khác nhau về hàm lượng và thành phần loài vi khuẩn. Nguồn: thefishsite.com
Thành phần vi khuẩn hiện diện trên tôm nhiễm EMS
Tình trạng sức khỏe của tôm có mối liên hệ chặt chẽ với sự đa dạng của quần thể vi khuẩn hiện diện trên tôm. Cụ thể, quần thể vi khuẩn trên tôm nhiễm EMS sẽ bị chi phối bởi thành phần loài của họ Vibrionaceae. Trong đó, họ Vibrionaceae chiếm 65,1%, các họ khác như Pseudomonadaceae chiếm 10,5%, Moraxellaceae chiếm 7,1% và Rhodobacteraceae chiếm 2,5%, sự hiện diện này có tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với họ Vibrionaceae - họ vi khuẩn được cho là liên quan đến nhiều tác nhân vi khuẩn gây bệnh trên tôm hiện nay.
Trong khi đó, những con tôm khỏe lại cho kết quả khác, chi tiết là chiếm tỉ lệ cao nhất thuộc họ Pseudomonadaceae với 31.5%, Vibrionaceae chiếm 31.5%, Rhodobacteraceae chiếm 15,4%, Moraxellaceae chiếm 2,3%.
Sau khi giải trình tự gen 16S rRNA, các loài chính thuộc họ Vibrionaceae chủ yếu bao gồm Vibrio harveyi, Vibrio splendidus, Vibrio parahaemolyticus, Vibrio spp. và Photobacterium phosphoreum, trong khi các loài chính của họ Pseudomonadaceae là Pseudomonas spp., Pseudomonas aeruginosa và Pseudomonas fluorescens. Đối với họ Moraxellaceae và Rhodobacteraceae, các loài chính là Paracoccus spp., Paracoccus marcus, và Acinetobacter spp. Các loài vi khuẩn khác (được xác định ở cấp độ loài) cũng được tìm thấy bao gồm Micrococcus spp., Aeromonas spp., Planococcus maritimus và Exiguobacterium oxidotolerans.
Nhìn chung, số lượng chủng vi khuẩn Vibrio, Pseudomonas và Photobacterium chiếm tỷ lệ cao trong số các chủng được tìm thấy; trong khi Acinetobacter, Paracoccus, Micrococcus, Aeromonas, Planococcus và Exiguobacterium được phát hiện ở mức độ thấp hơn. Theo Cornejo Granados và ctv. (2017), các chi vi khuẩn phổ biến nhất được tìm thấy trong ruột và gan tụy của tôm là Vibrio, Pseudomonas, Photobacterium và Acinetobacter.
Đặc biệt, sự hiện diện của Vibrio spp. và Photobacterium spp. có ý nghĩa trong việc đánh giá chất lượng của các yếu tố môi trường nước ao nuôi; đồng thời Vibrio spp. và Photobacterium spp. còn là tác nhân chính gây bệnh trên động vật thủy sản (Aguirre ‐ Guzmán và ctv., 2010; Rungratsamee và ctv., 2014). Do đó, nếu như các chủng vi khuẩn này hiện diện cao trong nước hay trên tôm thì có thể một phần đánh giá được chất lượng môi trường cũng như tình trạng sức khỏe của tôm nuôi.
Một quan sát thú vị là sự hiện diện của Vibrio parahaemolyticus đáng kể trên tôm nhiễm EMS, điều này cho thấy Vibrio parahaemolyticus là tác nhân gây bệnh EMS ở tôm. Kết quả này tương đồng với những nghiên cứu trước đó về tác nhân gây bệnh EMS trên tôm (Aguirre ‐ Guzmán và ctv., 2010; Soto Rodriguez và ctv., 2014).
Như vậy, giữa tôm nhiễm EMS và tôm khỏe có sự khác nhau về hàm lượng và thành phần loài vi khuẩn. Đối với tôm nhiễm EMS thì sự hiện diện của họ Vibrionaceae chiếm đa số đặc biệt là chủng Vibrio parahaemolyticus. Đối với tôm khỏe lại có sự hiện diện của họ Pseudomonadaceae là nhiều nhất, các thành viên của các chi Pseudomonas (32%), Photobacterium (21%), Acinetobacter (15%) và Vibrio (10 %). Ngoài ra, dữ liệu về trình tự gen thu được từ nghiên cứu có thể được sử dụng cho việc đánh giá các hình thức quản lý ao nuôi tôm, cũng như thực hành nuôi trồng trong các điều kiện trang trại nuôi tôm khác nhau.
Nguồn: Kuthoose, M.F.A và ctv (2021). Microbial community diversity associated with healthy and unhealthy shrimp (early mortality syndrome) at Malaysian shrimp farm. Songklanakarin J. Sci. Technol.