Qua kết quả quan trắc cho thấy, tỷ lệ mẫu giáp xác tự nhiên phát hiện bị nhiễm bệnh đốm trắng là 8,33% giảm hơn so với kỳ trước (27,77%). Cụ thể: huyện Bình Đại 7,14% tương đương so với kỳ trước (7,14%) và huyện Ba Tri 20% tăng so với kỳ trước (10%), huyện Thạnh Phú 0% giảm so với kỳ trước (66,66%).
Khuyến cáo
Qua kết quả phân tích, bệnh đốm trắng xuất hiện ở các kênh rạch tự nhiên trên địa bàn 03 huyện ở mức thấp, đồng thời theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bến Tre trong tháng 7 xuất hiện có mưa vừa và mưa to. Vì vậy, người nuôi tôm cần chú ý:
- Tuyệt đối không được lấy nước trực tiếp vào ao nuôi từ các nguồn nước bị nhiễm bệnh đốm trắng.
- Rãi vôi nung (CaO) quanh bờ ao nuôi để trung hòa pH khi có mưa lớn. Nếu mưa lớn thì mở quạt nước, xử lý các sản phẩm chống sốc cho tôm như: Yucca, Clinzet, C tạt ...theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
- Định kỳ bổ sung vi sinh hữu ích nhằm ổn định mật độ tảo và màu nước ao. Thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, nên tăng cường bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, … vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.
- Duy trì mực nước tối thiểu là 1,3 - 1,8m; kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao nuôi trong ngưỡng thích hợp (pH: 7,5 - 8,5, độ kiềm ≥ 80 mg/lít, Oxy hòa tan ≥ 4 mg/l).
Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc bị chết bất thường phải khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, nhân viên Thú y xã, Ủy ban nhân dân xã hoặc Trạm chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn cách ly, xử lý dập dịch.
Tuy nhiên với thời tiết nắng nóng và mưa giông đột ngột cần thực hiện 1 số biện pháp sau:
Duy trì độ mặn: 10 - 25°/00; O2>3,5mg/l; pH: 7,5 - 8,5; Độ kiềm: 80 - 150mg/l…;
+ Cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ tôm nuôi, giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ 10 -15 ngày/lần bổ sung vitaminC, khoáng vi lượng. Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Sử dụng các loại chế phẩm định kỳ 10 - 15 ngày/lần để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
+ Thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp theo quy định và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu l,3 - l,5m, nếu cần cấp bổ sung nước thì phải lấy nước vào thời điểm đỉnh triều, qua túi lọc, cấp vào ao láng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi; Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiểu thiếu oxy cục bộ;
+ Quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo, nhất là trong thời gian nắng nóng. Khi tảo phát triển mạnh (màu nước xanh đậm đặc) có thể dùng các biện pháp phù hợp để diệt tảo. Lưu ý, trong thời gian diệt tảo nên giảm 30 - 50% lượng thức ăn của tôm, đồng thời tăng cường quạt khí để hóa chất bay hơi, sau đó bón chế phẩm vi sinh để phục hồi hệ vi khuẩn trong ao. Đối với những ao nuôi có nguồn nước sạch, độ mặn ổn định (12 - 15%o) thì có thể thay nước ao 20 - 30% để giảm mật độ tảo và ngăn sự phát triển của chúng trong ao;
+ Duy trì ổn định pH trong giới hạn cho phép (7,5 - 8,2) bằng vôi bột (CaO) (định kỳ dùng vôi bột hòa nước tạt đều khắp ao với liều lượng 1,5 - 2 kg/100 m nước ao). Nên định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao rải vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và chất dơ bẩn từ trên bờ ao xuống đặc biệt trước các ngày có mưa dông. Nâng cao độ sâu mực nước ao nuôi để giảm biến động nhiệt độ nước, sau mưa có thể tháo bớt tầng nước mặt tránh vật nuôi bị sốc do thay đổi pH đột ngột.