Sự cần thiết của thay thế thức ăn có nguồn gốc bột cá
Thức ăn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nuôi tôm công nghiệp, chi phí thức ăn chiếm khoảng hơn 60% chi phí của vụ nuôi. Với sự bùng nổ của việc nuôi tôm công nghiệp, nhu cầu sử dụng thức ăn cho nuôi tôm được dự đoán từ 0,9 triệu tấn năm 1995 tăng lên 9,2 triệu tấn năm 2020. Do đó, cần thay nguồn đạm từ bột cá bằng các nguồn đạm khác nhằm giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi tôm.
Trên thế giới hiện có rất nhiều nghiên cứu thay thế nguồn đạm từ bột cá trong thức ăn thủy sản bằng các nguồn đạm từ thực vật như: đậu nành, đậu phộng, đậu lupin, hạt hoa cải, hạt bông vải,…. Khả năng thay thế đạm từ bột cá bằng đạm thực vật dao động từ 20% đến 70% tùy thuộc vào đối tượng nuôi và nguồn đạm thực vật được sử dụng.
Các loại protein thay thế bột cá
Bột đậu nành (soy bean meal)
Với hàm lượng đạm tương đối cao khi so sánh với bột cá, cùng với khả năng tiêu hóa cao, giá thành tương đối rẻ so với bột cá nên được sử dụng rộng rãi để thay thế bột cá trong sản xuất thức ăn cho tôm. Nghiên cứu trên tôm he Nhật Bản (Masupeneaus japonicus) cho thấy có thể thay thế 50% đạm từ bột cá bằng bột đậu nành trong công thức thức ăn mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng của tôm. Các nghiên cứu khác trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), tôm sú (Penaeus monodon), và tôm rảo (Metapenaeus monoceros) cho thấy bột đậu nành có thể thay thế 40-70% bột cá trong công thức thức ăn.
Bột hạt dầu cải (canola meal)
Được chiếc xuất chủ yếu từ cải dầu (Brassica napus) và cải bắp (Brassica campestris). Bột hạt dầu cải được biết với hàm lượng glucosinolate và erunic acid tương đối thấp. Với giá thành chỉ khoản một nửa so với bột cá cùng với hàm lượng methionine cao cũng được xem là nguồn đạm thực vật có khả năng thay thế bột cá rất tốt. Tuy nhiên, hàm lượng đạm trong bột hạt dầu cải tương đối thấp (32-45%) và hàm lượng lysin trong bột dầu cải cũng rất thấp. Bột hạt dầu cải được khuyến cáo sử dụng thay thế cho bột cá trong sản xuất thức ăn cho tôm khoảng 15-20%.
Bột hạt bông vải (cottonseed meal)
Được xem là một trong những nguồn đạm thực vật có khả năng thay thế bột cá trong công thức thức ăn cho tôm với hàm lượng đạm tương đối, nguồn cung phong phú, cùng với giá thành thấp. Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa bột hạt bông vải của tôm là không cao, do trong hạt bông vải chứa nhiều các gossypol và phytate. Ngoài ra hạn chế trong việc sử dụng hạt bông vải trong sản xuất thức ăn cho tôm là hàm lượng các amino acid như lysine và methionine thấp.
Hiệu quả của việc sử dụng bột thực vật thay thế
Việc sử dụng bột thực vật thay thế cho bột cá trong sản xuất thức ăn cho tôm mang lại hiệu quả về mặc kinh tế giúp giảm giá thành thức ăn, giảm chi phí cho người nuôi. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần xem xét khi sử dụng đạm thực vật trong thức ăn cho tôm. Nguồn acid amin trong đạm thực vật không cao, do đó khi sử dụng đạm thực vật dễ dẫn đến khả năng mất cân bằng acid amin, đặc biệt là lysine và methionine, làm giảm tăng trưởng của đối tượng nuôi. Hơn thế nữa, mùi của đạm thực vật thường không hấp dẫn và khả năng tiêu hóa carbohydrate của động vật thủy sản rất thấp.
Do đó, khả năng thay thế đạm thực vật cho bột cá trong thức ăn của tôm nuôi cần được xem xét cẩn thận, vì nó phụ thuộc vào đối tượng nuôi cũng như nguồn đạm thực vật được sử dụng. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp của nhiều nguồn đạm thực vật khác nhau khi thay thế nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
Triển vọng
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng sử dụng nguồn đạm thực vật lên men mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất thức ăn cho tôm so với việc sử dụng bột đạm thực vật chưa lên men. Điều này mở ra một hướng mới trong việc sử dụng nguồn đạm thực vật và giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đạm thực vật so với trước đây.