Do giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho nhiều tàu cá của ngư dân tại một số địa phương phải “nằm bờ”. Nguyên nhân là do nếu đi đánh bắt cá thì thua lỗ, mặc dù sau mỗi chuyến đi về các ngư dân đều đánh bắt được một sản lượng cá lớn, nhưng giá bán lại thấp do sức mua đang kém. Từ đây, đã có nhiều ngư dân phải bán tàu, thậm chí bỏ nghề đánh bắt. Rõ ràng, đây là một vấn đề rất lớn với ngành thủy sản. Bởi cá là một nguồn thực phẩm rất quan trọng, đặc biệt đối với người nghèo.
Bên cạnh đó, cá là nguồn lợi thủy sản phong phú được các nước rất quan tâm, nhất là tại khu vực Biển Đông. Trong khi ngư dân treo tàu thì các nước xung quanh chúng ta vẫn đang đánh bắt.
Sâu xa hơn, chúng ta sẽ bị khan hiếm thực phẩm do không có cá đưa về. Vấn đề cần quan tâm là sẽ bị mất đi một nghề sinh kế của người dân vùng biển. Không đánh bắt cá, người dân tại các địa phương ven biển sẽ làm nghề gì? Giải quyết vấn đề an sinh xã hội như thế nào?
Với an ninh quốc phòng, việc trao hàng nghìn là cờ cho ngư dân đi biển không chỉ đơn thuần là việc treo cờ. Vấn đề ở đây chính là chủ quyền quốc gia của chúng ta trên biển, những vụ việc xâm phạm chủ quyền biển đảo phần lớn do các ngư dân đi biển phát hiện và trao đổi lại với các cấp chính quyền. Cái lớn hơn, các ngư dân này chính là “nhân chứng sống” cho vấn đề chủ quyền biển đảo của chúng ta. Cách đây 5 năm, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về kinh tế biển. Trong kinh tế biển bao gồm bảo vệ, nuôi trồng, đánh bắt hải sản.
Những cột mốc trên biên cương biển. Ảnh: Trần Mai
Do đó, nếu kéo dài tình trạng treo tàu thì rất nguy hiểm. Như vậy, giá xăng dầu nếu ở mức 22.000 đồng/lít thì ngư dân mới có thể tiếp tục ra khơi.
Trong khi đó, nếu tàu thuyền “nằm bờ” quá lâu sẽ xảy ra một số tác hại. Đó là rất nhanh bị xuống cấp, nhiều ngư dân để ra khơi đã phải đi vay tiền ngân hàng để đóng tàu. Nếu đi đánh bắt thì còn có nguồn thu nhập để trả tiền cho ngân hàng, còn khi hoạt động thì khả năng bị vỡ nợ là rất cao. Giả thiết, việc này xảy ra thì ngân hàng chính sách hay chính quyền địa phương có chịu trách nhiệm cùng ngư dân hay không? Đọc thông tin về nhiều tàu cá phải nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao tôi rất xót xa.
Tại các cuộc họp của Chính phủ thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn nhắc lại là phải có sự chia sẻ khó khăn cùng nhau. Tuy nhiên, tư duy quản lý hiện nay lại lo lắng nếu giảm thuế, phí cho xăng dầu thì dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước.
Theo quan điểm của tôi, khi doanh nghiệp phát triển thì họ sẽ nộp ngân sách, doanh thu tăng lên, sức mua mạnh hơn. Khi đó, sự lan tỏa còn cao hơn rất nhiều so với tiền thu thuế xăng dầu.
Do đó, có những loại thuế, phí đối với xăng dầu cần phải xem xét lại tại thời điểm này. Đơn cử, tại sao phải thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu? Không thể áp thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu như rượu hay thuốc lá.
Cũng có ý kiến lo ngại, nếu giá xăng dầu giảm sâu thì xảy ra tình trạng buôn lậu sẽ tràn vào trong nước. Tôi không đồng tình với quan điểm này, vì kiểm soát buôn lậu đã có quản lý thị trường, hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước khác ngăn chặn.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là sức sống của doanh nghiệp chứ không phải vấn đề buôn lậu. Và nguy hại hơn trong thời điểm này là tình trạng xăng dầu giả lợi dụng giá cao để tung ra thị trường. Điển hình, thời gian gần đây các cơ quan quản lý đã bắt được một số vụ buôn bán xăng dầu giả với số lượng lớn. Như vậy, câu chuyện nghề cá với xăng dầu có sự liên đới và lan tỏa một số vấn đề như tôi phân tích ở trên.