Đặc biệt thịt cá rất ngon, ngọt, được ưa chuộng để chế biến thực phẩm trong bữa ăn thường ngày. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa. Từ năm 1990 đến nay, nghề nuôi cá lóc đang trở nên rất phổ biến.
Sản lượng nuôi cá lóc tăng liên tục trong giai đoạn 2003- 2011. Năm 2003 là 2.671 tấn, năm 2011 tăng lên 22.496 tấn (Báo cáo thống kê An Giang, 11 2012). Tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình năm 2003- 2011 khoảng 7%.
Năng suất nuôi cá lóc tăng liên tục trong giai đoạn năm 2003-2011. Năm 2003 năng suất bình quân trong ao, vèo, bể/bồn khoản 10-15kg/m3. Đến năm 2011, năng suất bình quân tăng lên 30-50 kg/m3, nguyên nhân chủ yếu là do nông dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng thức ăn viên công nghiệp, giảm ô nhiễm nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, đạt năng suất và hiệu quả cao. Cá lóc có giá trị kinh tế tương đối cao. Chỉ tính riêng trong năm 2011, giá trị sản xuất cá lóc đạt khoảng 700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua ngành Thủy sản tỉnh An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung đều gặp phải nhiều thách thức: “được mùa mất giá, mất mùa được giá”… nhiều đối tượng thủy sản tăng sản lượng hằng năm nhưng gần như không tăng được lợi nhuận. Mô hình nuôi cá lóc ở An Giang đã phát triển từ nhiều năm qua và với những thành tựu của khoa học công nghệ hiện nay đã giúp cải thiện được năng suất và chất lượng sản phẩm cá lóc nuôi. Tuy nhiên, vấn đề thị trường là nguyên nhân chính làm cản trở sự phát triển diện tích nuôi. Sản xuất cá lóc luôn thể hiện sự thiếu bền vững, hiệu quả kinh tế của người nuôi rất bấp bênh. Nguyên nhân tồn tại có nhiều song vẫn không thể không kể đến việc chúng ta đã không tạo dựng được thị trường cho mình, sản xuất không gắn kết được với tiêu thụ.
Trong thời gian qua, chúng ta chú ý nhiều vào thị trường xuất khẩu mà ít chú ý đến thị trường tiêu thụ nội địa, trong khi tổng giá trị tiêu thụ trong nước lại cao hơn so với xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ nội địa vẫn còn bỏ ngõ, rất nhiều tiềm năng và cơ hội để khai thác.
Để phát triển nghề nuôi cá lóc bền vững , Trung tâm giống thủy sản An Giang xây dựng Chuỗi giá trị sản xuất cho đối tượng này nhằm thực hiện ổn định sản xuất và tiêu thụ đối với sản phẩm cá lóc nuôi trong tỉnh An Giang, xây dựng cơ chế liên kết giữa các thành viên trong chuỗi về kế hoạch sản xuất, nguyên tắc giao nhận sản phẩm, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, nâng cao uy tín thương hiệu; trên cơ sở đó đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng bền vững của từng thành viên và toàn bộ chuỗi; thực hiện các giải pháp có hiệu quả nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm sản xuất từ cá lóc của tỉnh An Giang tạo được thị trường tiêu thụ nội địa và từng bước tiến tới thị trường xuất khẩu ổn định, với quy mô: Diện tích: 3 ha. Hình thức nuôi: Nuôi trên bể và nuôi trong ao (2ha nuôi ao và 1ha nuôi bể). Sản lượng: 700 tấn.
Năng suất nuôi ao: 150 tấn/ha; Năng suất nuôi bể: 40 kg/m2. Giá trị sản xuất đạt: 25 tỷ VNĐ. Hình thành 9 Chi hội sản xuất cá lóc thương phẩm. Cơ cấu tổ chức chi hội sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Địa điểm tại vùng nuôi cá lóc trọng điểm của tỉnh: Huyện Châu Phú, Châu Thành, An Phú, Phú Tân và thành phố Long Xuyên.
Điều kiện để chọn hội viên: Hội viên mỗi tổ phải có kinh nghiệm và điều kiện nuôi, đồng thời có diện tích tối thiểu 1.000m2 (nuôi ao) hoặc 60m2 (bể lót bạt)/ hội viên.
Mỗi chi hội lựa chọn hộ đại diện để quản lý, điều hành công việc chung của chi hội. Hộ đại diện chi hội sản xuất, cung ứng được đào tạo tập huấn về quản lý điều hành hoạt động của chi hội, kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào thực tế để nâng cao hiệu quả sản xuất; phương pháp thu thập thông tin và cung cấp thông tin.
Quyền lợi của hội viên tham gia chi hội :
- Được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo phương thức bán theo giá trị trường tại thời điểm. Trường hợp tại thời điểm tiêu thụ, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, phần chênh lệch giữa giá thành và giá bán người nuôi và cơ sở thu mua sẽ chia đôi rủi ro.
- Được cung cấp thông tin về giá cả tiêu thụ, được quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm để mở rộng sản xuất trên sàn giao dịch của dự án.
- Được tư vấn kỹ thuật nuôi và quản lý dịch bệnh trong toàn bộ chu kỳ nuôi.
- Được đầu tư thức ăn (theo hình thức trả chậm) vào 2 tháng cuối của chu kỳ nuôi.
- Nhiệm vụ của hội viên tham gia chi hội sản xuất và cung ứng:
- Bố trí sản xuất và tiêu thụ theo kế hoạch của Ban điều hành chuỗi và ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Gap .
- Cung cấp thông tin về tình hình sản xuất của chi hội, sản lượng giống thả, sản lượng dự kiến thu hoạch của từng tháng trong năm.
- Cung cấp thông tin về tình hình giá cả thị trường, vật tư nguyên, nhiên liệu, thức ăn, tình hình năng suất thu hoạch, môi trường, dịch bệnh…
- Cung cấp thông tin tình hình khó khăn, thuận lợi trong sản xuất cung ứng sản phẩm.
Tất cả các thông tin liên quan được chi hội sản xuất, cung ứng cập nhật và chuyển tải về bộ phận quản lý điều hành chuỗi. Đảm bảo sự cân đối đầu vào, đầu ra theo lịch trình thời gian nghiêm ngặt, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Xác lập nhóm cơ sở cung cấp dịch vụ đầu vào hỗ trợ sản xuất (nhà cung cấp giống, cung cấp thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh, dịch vụ vận chuyển…).
1. Trung tâm giống thủy sản An Giang: Điều hành chuỗi giá trị; Cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm.
2. Các chi hội sản xuất cung ứng sản phẩm: Cung cấp sản phẩm đúng chất lượng.
3. Công ty Cổ Phần Việt An: Tiêu thụ sản phẩm
4. Công ty CP XNK Nông Sản Thực Phẩm An Giang: Tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thức ăn cho cá.
5. Cơ sở khô Định Thành – Thoại Sơn: Tiêu thụ sản phẩm.
6. Công ty thuốc: Bayer, Anova, Đại Việt: Hỗ trợ quản lý dịch bệnh.
Hiện nay, chuỗi giá trị cá lóc đang trong giai đoạn khởi động và tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của các doanh nghiệp, và các hộ nuôi cùng tham gia. Và Trung tâm đang tiếp tục xây dựng thêm các Chi hội nuôi cá lóc trên bể lót bạt để hoàn thành mục tiêu của Chuỗi đề ra.
Hy vọng rằng, với sự tham gia của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp các hộ nuôi trong Tỉnh, Chuỗi giá trị cá lóc tỉnh An Giang sẽ thực hiện thành công, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nộng thôn mới.