Nguồn cung và giá cả
Sản lượng thu hoạch ở hầu hết các nước sản xuất có thể giảm so với mục tiêu đề ra cho năm 2012. Việt Nam bị thiệt hại nặng trên một diện tích nuôi lớn, trong khi đó, Ấn Độ được mùa tôm chân trắng đã tác động tiêu cực đến giá tôm. Sản lượng tôm ở Thái Lan và Inđônêxia giảm trong quý 3 và người nuôi tôm Ấn Độ cắt giảm sản lượng tôm chân trắng trong tháng 9. Tổng xuất khẩu tôm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm giảm 16%, còn xuất khẩu tôm của Đan Mạch cũng giảm 7%. Giá tôm trên thị trường giảm chỉ ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất ở Mỹ La tinh.
Thị trường
Trong cả năm, giá tôm quốc tế thấp nhưng kích động nhu cầu tiêu dùng ở 2 thị trường Mỹ và châu Âu. Tại Nhật Bản, xu hướng có tích cực hơn 1 chút.
Nhật Bản
Tổng khối lượng nhập khẩu các loại tôm của Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm đạt gần 172.000 tấn. Nhập khẩu tôm chế biến tăng, chiếm 28% tổng lượng tôm nhập khẩu. Nhu cầu tôm salad và tôm chín cũng tăng, mặc dù nhu cầu tôm nguyên con dạng nguyên liệu có dấu hiệu giảm. Khối lượng tôm đông lạnh bán ra tại chợ Tsukiji trong 8 tháng đầu năm tăng 17% tương đương 7.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung tăng và giá cả hợp lý làm tăng nhu cầu tôm nguyên con Achentina (seabob) và khuyến khích các siêu thị thực hiện các chiến dịch khuyến mại cho tôm chân trắng, nhất là tôm chân trắng Thái Lan và Malaixia.
Mỹ
Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng trong 6 tháng đầu năm tăng do nhu cầu tích trữ của các nhà nhập khẩu, cho thấy những khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù nguồn cung có thay đổi và nhu cầu tại chỗ tăng, nhưng thị trường vẫn bị xem là có nhu cầu thấp và nguồn cungdồi dào.
Sản lượng lớn tôm chân trắng từ Ấn Độ đã ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ thị trường tôm Mỹ. Nguồn cung đến từ các nước châu Á (Inđônêxia, Việt nam, Thái Lan) có thể cảm nhận được những tác động này và đặc biệt là Thái Lan đang dần mất thị phần tại Mỹ.
Nhìn chung, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 10, giá bán buôn một số sản phẩm tôm có xu hướng tiêu cực do đồng đô la mất giá. Tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế ở ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và nhu cầu tôm đông lạnh của Nhật Bản giảm nên Mỹ vẫn là thị trường quan trọng đối với nhiều nước.
EU
Nhu cầu tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng nề đến thị trường tôm châu Âu. Lòng tin người tiêu dùng trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 40 tháng qua, trong khi doanh thu của cả ngành bán lẻ thực phẩm trong mùa hè đều giảm. Sự suy yếu của đồng euro so với đồng đô la Mỹ cũng góp phần làm giảm nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu tôm giảm 11% so với cùng kỳ năm goái. Tại Tây Ban Nha, thị trường tôm lớn nhất ở châu Âu, nhập khẩu tôm giảm khoảng 1/5. Vì vậy, nhiều khách hàng châu Âu tìm kiếm các nguồn cung rẻ hơn, như tôm sú từ Băngladet. Một số khách hàng đã lựa chọn tôm chân trắng rẻ hơn, chủ yếu từ Ấn Độ nên đã gây sức ép về giá đối với tôm sú.
Trung Quốc
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay dự kiến đạt 7,7% thấp nhất kể từ năm 1999, làm giảm khối lượng tôm nhập khẩu. Canađa vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của nước này trong đó xuất khẩu tăng 41%, tiếp theo là Thái Lan tăng 44%.
Triển vọng
Tại thị trường Mỹ, hiện đã có đủ lượng hàng dự trữ để cung cấp cho mùa giáng sinh năm mới kể cả khi nhu cầu tăng. Tại Nhật Bản, giá tôm giảm so với năm ngoái, có thể làm tăng lượng tiêu thụ trong những tháng tới. Nhu cầu tôm chân trắng và tôm sú Đông Nam Á có thể sẽ ổn định ở thị trường Nhật Bản từ nay đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2013. Các thị trường khác ở châu Á sẽ trở nên quan trọng đối với các nhà cung cấp trong nước và khu vực vào thời điểm cuối năm. Dự kiến, giá cả sẽ được duy trì ở mức cao hơn và có thêm cải thiện vào cuối tháng 12.