Ba Đồn là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra. Thực hiện Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ về định mức bồi thường thiệt hại, thị xã Ba Đồn đã thực hiện kê khai bồi thường đúng đối tượng, khách quan, minh bạch, cụ thể, rõ ràng với sự đồng thuận cao của người dân.
UBND thị xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại và giám sát việc chi trả tiền bồi thường, đồng thời, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân nếu có. Tổng số tàu, thuyền bị thiệt hại của thị xã gần 2.000 chiếc với hơn 9.000 lao động trực tiếp và hơn 4.000 lao động gián tiếp; 349 ha diện tích hồ nuôi tôm và 43.000m3 lồng cá bị thiệt hại. Tổng số tiền bồi thường theo quy định là 434 tỷ 364 triệu đồng. Hiện nay, thị xã đã cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường đợt 1 với số tiền trên 260 tỷ đồng và tiếp tục tiến hành chi trả đợt 2.
Phần lớn ngư dân đều hài lòng đối với mức bồi thường được chi trả. Sau khi nhận được tiền đền bù, các hộ ngư dân, ngoài việc trả nợ cũ, đã sử dụng để đầu tư mua ngư lưới cụ, nâng công suất tàu thuyền để phục vụ khai thác thủy hải sản vùng biển xa. Xã Quảng Hải là địa phương đầu tiên của thị xã Ba Đồn và của tỉnh Quảng Bình thực hiện việc chi trả tiền bồi thường với hơn 3,3 tỷ đồng cho 49 đối tượng bị ảnh hưởng.
Sau khi nhận tiền, bà con ngư dân đã bắt đầu ổn định sản xuất bằng việc mua sắm thêm ngư lưới cụ tiếp tục đi biển và đầu tư xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Ông Đoàn Văn Đức, thôn Vấn Bắc, xã Quảng Hải chia sẻ: “Sau khi nhận được tiền đền bù, gia đình tôi đã lấy số tiền đó trả nợ cũ, còn lại là mua thêm ngư lưới cụ để tiếp tục bám biển”.
Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, chính quyền thị xã Ba Đồn cũng đã chủ động cử cán bộ về tận cơ sở để hướng dẫn bà con các xã ven biển khắc phục khó khăn và thực hiện việc chuyển đổi sinh kế. Nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành và bắt đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi bám biển vẫn là quyết tâm lớn của người dân các xã biển, bởi với họ, đây là nghề truyền thống ông cha để lại, và đi biển không chỉ để mưu sinh mà đi biển còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Không chỉ chi trả kịp thời số tiền đền bù, thực hiện công bằng, minh bạch, đúng quy định và đúng đối tượng, chính quyền thị xã Ba Đồn còn quan tâm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân sử dụng số tiền bồi thường hợp lý, đúng mục đích nhằm phát huy hiệu quả, ổn định cuộc sống lâu dài.
Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4 năm 2016 vừa qua đã gây thiệt hại quá lớn không chỉ đối với các ngư dân, làng chài ven biển mà cân đối với những ngành nghề dịch vụ liên quan khác. Nhưng với sự nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn của người dân, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và thị xã, đến nay, về cơ bản, người dân các xã biển trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã dần ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Những khoản tiền hỗ trợ, đền bù cũng đã về tận tay người dân để họ có thêm nguồn vốn đầu tư nâng cấp tàu thuyền, quyết tâm bám biển.