BĐKH đang tác động mạnh đến tự nhiên và con người ở Bến Tre, làm thay đổi lượng mưa và chuyển dịch chế độ mưa. Nhiệt độ ngày càng tăng lên, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn gây ra sự BĐKH tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp (giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi thành phần cấu trúc, chức năng của hệ sinh thái đang đem lại nguồn sinh kế cho người dân nông thôn...). Mặt khác, các dự án, công trình trên dòng chính của sông Mê-kông đang làm giảm lượng trầm tích, phù sa bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long, làm mất khả năng tự điều chỉnh trước sự dâng cao của nước biển. Do vậy, các giải pháp thích ứng phải đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là các vùng ven biển, do sinh kế của người dân nơi này phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên.
Tại An Thủy, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn trầm trọng, hầu hết người dân phải mua nước ngọt từ nơi xa rất khó khăn. Hệ thống cung cấp nước ngọt từ Nhà máy nước Tân Mỹ chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Thời gian gần đây, thời tiết thay đổi bất thường, như: mưa trái mùa, xâm nhập mặn đã gây tác động trực tiếp đến 150ha nuôi tôm (làm tôm chậm lớn, nhiễm bệnh), ảnh hưởng tới đánh bắt thủy sản và diêm nghiệp (27ha muối). Cộng thêm đó là việc xả nước thải từ các khu vực nuôi tôm công nghiệp làm cho môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm ngày càng thêm trầm trọng hơn. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất, thiệt hại mà BĐKH gây ra, ngoài hiệu quả do các công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, mỗi người dân chủ động thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật... là yếu tố tiên quyết quan trọng nhất.
Mô hình vườn ươm 1,1 triệu cây giống trồng dưới sóng tại xã An Thủy đáp ứng nhu cầu đảm bảo 1 triệu cây con ngập mặn như một giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái cho việc tăng cường khu vực ven biển ứng phó BĐKH. Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Văn Phúc - người tham gia mô hình nuôi tôm rừng ngập mặn ở An Thủy cho biết, ông nuôi tôm trên diện tích 4ha. Trước đây, thiếu nước ngọt trầm trọng, nông dân phải tự đào giếng lấy nước sử dụng. Mô hình của ông đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, loại bỏ những cây con kém chất lượng, tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cải thiện môi trường nước giúp tôm lớn nhanh hơn.
Hiện toàn tỉnh có 7.883ha rừng, trong đó có 2.584ha rừng đặc dụng, 400ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Chỉ tiêu trồng mỗi năm khoảng 120ha, đòi hỏi số lượng nhiều, cây con có chất lượng tốt. Việc trồng 5ha rừng đước kết hợp vuông tôm tại xã Thạnh Phước khá thành công, với tỷ lệ cây con trồng sống đạt 90%.
Tại xã Thạnh Hải, hiện tượng sạt lở và xâm thực bờ biển làm mất khoảng 200ha đất rừng trồng và rừng tự nhiên. Trong khi đó, vùng biển này là nơi cư trú và sinh sản của nhiều loài sinh vật biển. Sinh kế của cư dân cũng nhờ vào việc trồng dưa hấu và sắn trên vùng đất giồng cát. Cồn Bửng bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng làm mất đất rừng hàng năm khá lớn nhưng hiện chưa có giải pháp ngăn chặn.
Tại xã Thừa Đức, hàng năm diện tích rừng bị mất khoảng 10ha do xói lở bờ biển. Diện tích đất giồng cát 250ha bị đe dọa bởi hiện tượng nhiễm mặn gia tăng của tầng nước ngầm. Hiện tượng xâm thực và sóng biển dâng làm các hộ trồng dưa hấu, củ cải, sắn, đậu phộng trên đất giồng cát bị thiệt hại nhiều. Nhiệt độ và độ mặn gia tăng gây hiện tượng nghêu chết (800ha) vào mùa nắng nóng.
Nguồn nước ngọt chủ yếu dựa vào hệ thống giếng đào nông tích nước ngầm rải rác tại các ấp. Hiện, chỉ có 5 giếng tại ấp Thừa Tiên còn nước để cung cấp cho 8.000 dân trong xã.
Ở xã Thừa Đức, Dự án Oxfam cũng đã giới thiệu một số giải pháp như điều chỉnh lịch canh tác, phủ mặt đất bằng màng nhựa nhằm giảm thất thoát nước do bay hơi và giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng dưa hấu. Đặc biệt, qua đó đã nâng cao năng lực quản lý rừng ngày càng có hiệu quả cao hơn. Nuôi tôm kết hợp trồng rừng có thu nhập cao hơn 40% so với nguồn thu từ bán gỗ đước làm nguyên liệu than hoạt tính xuất khẩu. Đây là mô hình đang được nhân rộng trong toàn tỉnh.